Phóng sự - Ký sự

Gieo chữ ở biên cương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không chỉ cầm súng canh giữ, bảo vệ chủ quyền biên giới, nhiều người lính biên phòng còn tình nguyện đứng lớp dạy học, mang tri thức đến với những bản làng nơi biên cương.

Biết chữ giúp dân thoát nghèo

Ở Đồn biên phòng Bát Xát (tỉnh Lào Cai), thiếu tá Phạm Công Khanh, Đội trưởng đội vận động quần chúng, được nhiều người dân gọi là thầy giáo. Thiếu tá Khanh có nhiều năm đứng lớp dạy học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên dải đất biên cương từng công tác. Hiện anh đang cùng đồng đội dạy xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn San Bang, Mường Đơ, xã Bản Vược của H.Bát Xát.

 

Ông Trịnh Văn Hào (thứ 3 từ phải sang) trao quà cho các cán bộ, chiến sĩ được chọn tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.
Ông Trịnh Văn Hào (thứ 3 từ phải sang) trao quà cho các cán bộ, chiến sĩ được chọn tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.

Theo thiếu tá Khanh, những người mù chữ lớn tuổi ở các thôn, xã trên tâm lý chung là mặc cảm, không muốn tiếp xúc với người lạ, rất khó vận động họ học chữ. Để có học viên, thiếu tá Khanh cùng đồng đội xuống tận bản, vào từng nhà lựa lời thuyết phục. “Chúng tôi chọn ra những ví dụ gần gũi đời sống, để bà con dễ hiểu, như biết chữ có thể biết đường đi mà không cần hỏi thăm, biết chữ thì vào bệnh viện còn biết chỗ nào thăm khám, dùng điện thoại di động cũng cần “cái chữ” nhắn tin thăm hỏi con cái, người thân... có như thế họ mới chịu ra lớp học”, thiếu tá Khanh kể.

Ở lớp dạy xóa mù chữ, “thầy giáo” phải chiều theo lịch sinh hoạt của học viên. Họ là lao động chính nên ban ngày đi nương làm rẫy, tối về có người phải lo cơm nước cho gia đình. Thầy giáo muốn dạy sớm cũng không được, lớp học thường bắt đầu sau giờ ăn cơm tối, học vào ban đêm để có đông đủ học viên.

 

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”

Thiếu tá Phạm Công Khanh và thượng úy Giàng A Trú là 2 nhân vật được lựa chọn tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, do T.Ư Hội LHTN VN phối hợp với Bộ GD-ĐT, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức. Chương trình nhằm tuyên dương những cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng có đóng góp tiêu biểu trong tham gia dạy xóa mù chữ, phổ cập giáo dục ở vùng biên giới, hải đảo.

“Trong số học viên đi học, nhiều hộ đã thoát nghèo thành công nhờ thay đổi tập quán, thói quen sản xuất, đó là hiệu quả rõ nhất từ các lớp học xóa mù chữ”, thiếu tá Khanh nói.

Ươm những mầm xanh

Câu chuyện về chiến sĩ biên phòng nhận mình làm “cậu” đỡ đầu, trực tiếp dạy học cho 2 trẻ em người Mông mồ côi cha, khiến chúng tôi ngược đường núi lên Đồn biên phòng Tả Gia Khâu. Đây cũng là 1 trong 3 đồn biên phòng nằm ở vị trí xa nhất trên tuyến biên phòng tỉnh Lào Cai.

Chiến sĩ biên phòng ấy là thượng úy Giàng A Trú, Đội trưởng Đội vận động quần chúng của Đồn biên phòng Tả Gia Khâu (tỉnh Lào Cai). Thượng úy Giàng A Trú đang là thầy giáo của lớp dạy xóa mù chữ cho 30 học viên tại thôn Sín Pao Chải, xã Tả Gia Khâu. Hiện, thượng úy Trú cùng đồng đội nhận nhiệm vụ chăm sóc, dạy học cho 2 trẻ em mồ côi là Ma Seo Khoa và Ma Seo Xuyên đang được nuôi dưỡng tại đồn biên phòng này.

Theo thượng úy Giàng A Trú, những ngày đầu lên đồn, cháu Khoa có thể nói và hiểu một ít tiếng phổ thông, còn Xuyên chỉ nói tiếng Mông. Cả hai bỡ ngỡ với nếp sinh hoạt cùng bộ đội trong doanh trại. Để giúp các cháu hòa nhập với cuộc sống người lính biên phòng, thượng úy Trú phải theo sát từng bữa ăn, nếp sinh hoạt hằng ngày, vừa giao tiếp bằng tiếng Mông, vừa chuyển thể ra tiếng phổ thông, từng bước giúp các cháu nhận mặt chữ cái. Mỗi khi anh em Khoa nhớ nhà, “cậu” Trú sẵn sàng đưa đón các cháu về thăm gia đình, kiên nhẫn từng ngày, giúp các cháu hòa nhập với đời sống quân ngũ.

Sau hơn 1 năm kèm cặp dạy học, thượng úy Giàng A Trú đã thành công khi anh em Ma Seo Khoa và Ma Seo Xuyên giờ viết thành thạo, tự tin giao tiếp bằng tiếng phổ thông, nằm trong số học sinh học khá ở trường. Cả hai anh em cũng quen với nền nếp sinh hoạt cùng các chú bộ đội, chủ động và tự lập trong cuộc sống hằng ngày. Thượng úy Trú vừa dạy lớp xóa mù chữ trong xã nhưng tối đến vẫn theo sát kiểm tra, hướng dẫn Khoa và Xuyên ôn bài.

Sẽ tiếp tục lan tỏa những câu chuyện đẹp

Trực tiếp đi tham gia chuyến đi thực tế ở các đồn biên phòng tỉnh Lào Cai, ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc marketing Tập đoàn Thiên Long, chia sẻ: “Gặp gỡ và tiếp xúc với các chiến sĩ bộ đội biên phòng đang làm công tác dạy học ở vùng biên giới Lào Cai là một trải nghiệm nhiều cảm xúc. Không chỉ dạy chữ, các thầy giáo mang quân hàm xanh còn ân cần chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các học trò như những người thân trong gia đình. Nhờ sự tận tâm và nỗ lực dạy học của các thầy giáo mang quân hàm xanh, hành trình đến trường của học trò vùng sâu vùng xa đã bớt nhọc nhằn.

Nơi biên cương Tổ quốc, thầy giáo và các em học sinh không chỉ gặp sự khó khăn về cung đường đi lại, sự nguy hiểm khi gặp thời tiết xấu hay thiên tai mà còn thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt và vật chất nhưng những tiếng đọc bài, tiếng nói, tiếng cười luôn rộn ràng, những nụ cười luôn rạng rỡ, tươi vui.

Các chuyến đi thăm sẽ tiếp tục thực hiện trong tháng 10 tại các đồn biên phòng khu vực Tây nguyên và miền Nam. Những câu chuyện đẹp về người thầy giáo mang quân hàm xanh sẽ còn tiếp tục được chia sẻ và lan tỏa”.

Phan Hậu/thanhnien

Có thể bạn quan tâm