Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Gieo “hạt giống” văn chương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là tâm niệm của những người tổ chức và tham gia truyền cảm hứng tại lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số năm 2024 tại Gia Lai. Diễn ra từ ngày 1 đến 7-7, chương trình thu hút sự góp mặt của 32 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Pleiku.

“Tiếp sức” cho văn trẻ

Là năm thứ 2 tổ chức, lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số cho thấy nỗ lực duy trì, nuôi dưỡng tình yêu văn chương đối với người trẻ. Từ những bước đầu chậm rãi nhưng chắc chắn, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mong muốn gầy dựng được một thế hệ trẻ đam mê và gắn bó với con chữ, góp vào văn chương giọng điệu riêng.

Học viên lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số tham quan Bảo tàng Quân đoàn 3. Ảnh: L.N

Học viên lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số tham quan Bảo tàng Quân đoàn 3. Ảnh: L.N

Trong vòng 1 tuần, các học viên lớp bồi dưỡng được gặp gỡ, trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ uy tín trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu tại Gia Lai có các tác giả: Phạm Đức Long, Ngô Thanh Vân, Lê Vi Thủy, Đào An Duyên (đều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam).

Nhà văn Cao Duy Sơn-Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tiếp tục góp mặt sau lần đầu đứng lớp năm 2023. Từ TP. Hồ Chí Minh, nhà văn, nhà báo Trần Gia Bảo-Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ (phụ trách khối ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ), từng là Trưởng bút nhóm Vòm Me Xanh và nhà văn Tống Phước Bảo-tác giả có nhiều đầu sách thu hút sự chú ý của độc giả như “Sài Gòn còn thương thì về”, “Hỗn kỳ đài”... “tiếp sức” lớp bồi dưỡng bằng sự trao đổi về những kinh nghiệm quý của bản thân.

Chia sẻ về cách viết truyện đồng thoại, cách nuôi dưỡng cảm xúc; hướng dẫn sáng tác tại chỗ và giúp học sinh tháo gỡ khó khăn khi đặt bút viết… là những nội dung mà nhà văn, nhà báo Trần Gia Bảo truyền tải đến lớp học trong ngày 4-7. Nhà văn Trần Gia Bảo khuyến khích các em viết về quê hương mình, về nơi mình đang sống, “vì các em đang có một vùng đất, vùng trời rất đẹp” với những nét đặc thù mà không phải địa phương nào cũng có.

Nói về lý do nhận lời mời đứng lớp, tác giả 2 tập truyện thiếu nhi vừa ra mắt gồm “Soái ca Mèo Mái Ngói” và “Nông trại Hoa Đậu Biếc” cho hay: “Tôi có một tình cảm đặc biệt dành cho vùng đất, con người Gia Lai từ những chuyến công tác liên quan đến chương trình học bổng của Báo Tuổi Trẻ và một vài chuyến làm thiện nguyện cá nhân. Do vậy, khi được mời tham gia lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số tại Pleiku, tôi nhận lời ngay”.

Khơi dậy tình yêu văn chương

“Say mê đến quên mất thời gian” là chia sẻ của em Phạm Thiên Phương (Trường THPT Pleiku) khi nói về lớp bồi dưỡng. Phương cho hay, em đăng ký tham gia vì yêu thích văn học, mong muốn cải thiện khả năng viết văn, từ đó có thể diễn đạt suy nghĩ, tình cảm của mình sâu sắc hơn.

“Đến với lớp bồi dưỡng, em thấy vô cùng hứng thú vì các nhà văn, nhà thơ rất tâm huyết, trao đổi nhiều câu chuyện truyền cảm hứng. Em thích phần trò chuyện với nhà văn Phạm Đức Long. Ông là người có vốn sống phong phú, viết rất hay về cuộc sống nông thôn miền Bắc. Bản thân em là người trưởng thành ở vùng miền này nên đọc tác phẩm của ông cảm thấy rất chân thật”-Phương bày tỏ.

Lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số cho thấy nỗ lực duy trì, nuôi dưỡng tình yêu văn chương đối với người trẻ. Ảnh: Lam Nguyên

Lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số cho thấy nỗ lực duy trì, nuôi dưỡng tình yêu văn chương đối với người trẻ. Ảnh: Lam Nguyên

Lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp khi được tham gia lớp tập huấn năm đầu tiên, em Đậu Minh Nga (Trường THPT chuyên Hùng Vương) quyết định đăng ký “mùa 2”. Cô học trò nhỏ tâm sự: “Em còn nhớ cảm giác ngạc nhiên, thích thú khi được nghe về hành trình sáng tạo mà các nhà văn, nhà thơ đã đi qua với nhiều bài học kinh nghiệm. Em còn được giao lưu với các bạn trẻ có cùng đam mê văn học. Những điều được truyền đạt tại lớp bồi dưỡng tác động rất lớn đến cảm hứng sáng tác của bản thân và các bạn”.

Ngoài được hướng dẫn phương pháp sáng tác, các em học sinh còn đi thực tế tại một số bảo tàng trên địa bàn TP. Pleiku. Hào hứng tham quan Bảo tàng Quân đoàn 3, em Phạm Tuấn Khanh (Trường THPT chuyên Hùng Vương) cho hay: “Được đi thực tế, được trò chuyện cùng các khách mời uy tín, em tiếp thu thêm nhiều kiến thức, hiểu biết để có được tác phẩm đầu tay”.

Trong khuôn khổ chương trình, sáng 7-7, Hội Văn học Nghệ thuật 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông còn phối hợp tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Viết văn trẻ-văn học Tây Nguyên đương đại”. Đây là dịp để các em học sinh được tiếp thêm niềm hứng khởi với văn chương và sáng tạo nghệ thuật.

Nhà thơ Ngô Thanh Vân-Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh-cho hay: Với vai trò kết nối để các em học sinh THCS, THPT có cơ hội giao lưu với các nhà văn, nhà thơ, Hội không đặt kỳ vọng gì quá lớn mà mong “gieo một hạt giống lành, tưới tắm bằng những cuộc trò chuyện để từ đó khởi lên trong các em tình yêu văn chương”.

Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: “Sau lớp bồi dưỡng năm 2023, 2 học viên của lớp là Phan Thúy Quỳnh và Hà Thị Kim Lý đã đạt một vài giải thưởng, trong đó có 2 giải A cuộc thi viết chủ đề “Cảnh sát cơ động-Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống” do Bộ Công an tổ chức. Một số em là học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương cũng có sự trưởng thành. Nếu duy trì việc bồi dưỡng thì hy vọng những năm tới sẽ có thêm vài cây bút trẻ cho tỉnh nhà”.

Có thể bạn quan tâm