Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Gieo những mầm xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi có thói quen phân loại rác từ căn bếp nhỏ. Những loại rác hữu cơ dễ phân hủy, tôi bỏ ra vườn, vừa hạn chế rác thải, vừa làm giàu dinh dưỡng cho đất. Tôi vui vẻ chỉ cho con rằng làm giàu cho đất cũng là cách mình trả ơn đất đai đã cho mình trú ngụ. Bởi vì từ chỗ rác ấy, những hạt mầm khỏe mạnh gặp đất sẽ nảy mầm thành cây xanh.
Sau 3 năm thì khu vườn bé nhỏ của tôi trở nên chật chội vì cây cối cứ thế mà đâm chồi lớn lên. Tôi vui mừng khi thấy mầm cây nhú nhưng cũng lo lắng rồi chúng sẽ lớn làm sao trong mảnh đất bé tẹo teo này.
Với hoa, tôi gieo hết hạt giống ra trước nhà, ven đường đi. Mưa xuống, chẳng cần tưới tắm, trước nhà tôi nở một vạt hoa cánh bướm xinh tươi. Những cành hồng già, tôi cắt tỉa và giâm xuống đất, thấy ai cần tôi lại mang cho. Nhưng còn các cây ăn quả như mít, xoài, chôm chôm, vải, nhãn thì sao? Chúng là những cây tán rộng, chỉ 1 năm thôi là vài cây đã che kín cả khu vườn.
Tôi loay hoay mãi cho đến hôm qua, khi đi dạo gần nhà rồi men thẳng lên chỗ núi đá, sau lưng thiền viện Trúc Lâm cách nhà tôi độ hơn cây số. Tôi nhìn những mầm cỏ xanh mọc lên trên khoảng rừng toàn đá, nhìn những cây bụi chen lẫn với cây rừng mà chúng vẫn một màu xanh tươi. Tôi nảy ra ý định sẽ trồng những cây con mà mình yêu thương lên khu vực này. Tôi nhổ được khoảng ba mươi cây con, cho vào giỏ, mang theo một cái bay xây nhà và xắn tay lên trồng.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Tìm địa thế đất bằng, xao xáo và yêu thương đặt cái cây con vào, tôi lấp đất lại và khẽ khàng nói với chúng: “Các bạn phải lớn lên, cho hoa trái và phủ xanh khoảng đá này. Rừng là nhà của các bạn, tôi sẽ thăm các bạn thường xuyên. Mạnh mẽ nhé các bạn nhỏ. Tôi yêu các bạn như các bạn yêu sự khoáng đạt của bầu trời”.
Tôi đánh dấu để nhớ mà thăm bằng cách chụp ảnh lại và kiểm đếm xem loại cây nào nhanh tốt, hợp đất. Tôi chỉ nghĩ đến việc cây sẽ có khoảng trống mà vươn lên nhưng đôi lúc cũng hy vọng vài năm nữa, ai đó sẽ được nhón tay hái trái ngọt từ cây. Đến đó thôi mà tôi thấy lâng lâng trong lòng.
Chiều nay, khi trồng xong chỗ cây con thì tôi gặp một nhóm bạn trẻ đang thả diều. Các bạn tò mò khi thấy tôi đào đất trồng cây. Tôi kể cho các bạn nghe việc mình làm. Không ngờ một bạn trai nhoẻn miệng cười với tôi trìu mến rồi nói: “Em hứa sẽ cùng chăm những cây non này với chị”.
Tôi nhớ năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào trồng 1 tỷ cây xanh, mục đích để tạo lá phổi xanh cho nhân loại, mọi người được sống và hít thở không khí trong lành. Tôi biết có nhiều nơi trồng cây rất khó. Người ta phải bỏ hạt giống vào một trong cái bọc đất dinh dưỡng mà họ gọi là “bom cây” rồi thả xuống những cánh rừng. Từ đó, hạt giống sẽ bật mầm lên xanh. Còn Tây Nguyên mình vốn đất đai màu mỡ, hạt giống nào gặp đất cũng dễ dàng sinh sôi, chỉ cần nỗ lực, chúng ta sẽ phủ xanh mặt đất.
Viết đến đây tôi chợt nghĩ, hay thôi, từ mai tôi sẽ để dành những hạt giống. Mùa mưa này, tôi sẽ gieo chúng lên đồi như cái cách mà ông cha mình từng làm để giữ nước, giữ đất, giữ những giống ngon cho con cháu thụ hưởng. Để những mùa sau, khi mưa đến nắng về, cây sẽ ươm rễ ở những nơi mà chúng được yêu thương.
Làm việc tốt không khó. Bảo vệ môi trường cũng không khó và đặc biệt là chúng ta không đơn độc trên hành trình ươm những mầm xanh. Bởi lẽ, dân tộc ta là một dân tộc yêu mến rừng, đất nước ta có tới 3/4 diện tích là đồi núi. Nhà tôi ở huyện Mang Yang. Hồi còn sống, ba tôi vẫn kể: “Lâm trường của bạn ba xứng đáng là đơn vị anh hùng bởi lẽ từng cán bộ, nhân viên của họ đều gánh thông ngược dốc trồng trên những hốc đá của đèo Mang Yang”. Để bây giờ, mỗi lần đi qua đèo Mang Yang bát ngát mây phủ, chúng ta thấy rừng cây lá kim xanh mướt mát bên trên. Khó khăn, thiếu thốn mà họ còn phủ được những mảng rừng xanh, huống hồ bây giờ, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi. Cái khó ở đây có lẽ là ý thức hoặc mọi người vẫn chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng sống, đến lá phổi xanh của mình.
Gieo một mầm xanh vào đất là ươm mầm một sự sống mới.
TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm