Phóng sự - Ký sự

Giữ chủ quyền trên cao nguyên đá-Kỳ 2: Trung kiên trước đòn thù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm 1977 - 1978, ở khu vực biên giới Hà Giang (khi đó là Hà Tuyên) liên tục xảy ra các vụ Trung Quốc di chuyển cột mốc lịch sử vào sâu trong đất ta và phục kích, bắt cóc bộ đội ta. Rất nhiều cán bộ chiến sĩ BĐBP đã bị thương trong khi bảo vệ chủ quyền biên giới.
10 ngày tuyệt thực
Vài ngày sau khi Tổng bí thư Lê Duẩn đến thăm, động viên cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng (BP) Thanh Thủy (H.Vị Xuyên), thì tại địa bàn Đồn BP Nghĩa Thuận (H.Quản Bạ), 6 cán bộ chiến sĩ bị Trung Quốc bắt giữ.

Bộ đội Đồn biên phòng Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang) dọc đường tuần tra biên giới, 1977. Ảnh: Tư liệu
Bộ đội Đồn biên phòng Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang) dọc đường tuần tra biên giới, 1977. Ảnh: Tư liệu
Ông Nguyễn Tiến Phòng (nguyên Chính trị viên phó Đồn BP Nghĩa Thuận) kể lại: Từ đầu năm 1976, phía Trung Quốc gia tăng lấn chiếm ở khu vực biên giới 5 xã (Cao Mã Pờ, Tùng Vài, Tản Ván, Nghĩa Thuận, Bát Đại Sơn) do đồn phụ trách. Do các địa bàn quá rộng và cách xa nhau, nên chỉ huy đồn phải liên tục cử các tổ tuần tra dọc biên giới.

BĐBP Hà Giang khảo sát biên giới, năm 1976. Ảnh: Tư liệu
BĐBP Hà Giang khảo sát biên giới, năm 1976. Ảnh: Tư liệu
Cuối tháng 5.1977, đại úy đồn trưởng Ma Phúc Cung cử 6 cán bộ chiến sĩ, do trung úy Viên Đình Thượng phụ trách, tuần tra từ Nghĩa Thuận sang Cao Mã Pờ. Sáng 18.5, tổ công tác tuần tra kiểm soát dọc đường biên từ Cao Mã Pờ về lại Nghĩa Thuận, khi đi qua khu vực mốc 3 (đối diện thôn Hoàng Thèn (Bát Bố, Trung Quốc) thì bị lực lượng dân binh và BP Trung Quốc lợi dụng sương mù dày đặc, đã phục kích bắt trói, đưa về Bát Bố giam giữ.

BĐBP Hà Giang xuống địa bàn biên giới, năm 1978. Ảnh: Tư liệu
BĐBP Hà Giang xuống địa bàn biên giới, năm 1978. Ảnh: Tư liệu
Ban đầu, phía Trung Quốc nhốt riêng từng người, dụ dỗ mua chuộc, lừa ta công nhận “xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”. Không dụ dỗ được, họ chuyển sang đe dọa và hành hung, đánh đập rất dã man. 6 bộ đội ta đã kiên quyết phản đối và cùng tuyệt thực trong gần 10 ngày.

Thủ trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang tặng quà cho gia đình khó khăn tại địa bàn biên giới do Đồn BP Nghĩa Thuận quản lý bảo vệ, năm 2016. Ảnh: Mai Thanh Hải
Thủ trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang tặng quà cho gia đình khó khăn tại địa bàn biên giới do Đồn BP Nghĩa Thuận quản lý bảo vệ, năm 2016. Ảnh: Mai Thanh Hải
Thấy tổ công tác của BĐBP Nghĩa Thuận bị bắt giữ, người dân 5 xã biên giới đã tập trung ở các khu vực giáp với khu dân cư - doanh trại biên phòng Trung Quốc, cực lực phản đối và yêu cầu thả người. Đồng thời, đoàn công tác của BĐBP Hà Giang cũng sang tận Trung Quốc phản kháng, yêu cầu tôn trọng đường biên giới lịch sử nguyên trạng, phải trao trả ngay số cán bộ chiến sĩ bị bắt giữ trái phép… Trước sự đấu tranh quyết liệt, ngày 28.5.1977, phía Trung Quốc phải thả 6 bộ đội ta.

Trung tướng Trịnh Trân, Tư lệnh BĐBP (bìa phải) thăm, động viên đồng bào các dân tộc H.Xín Mần (Hà Giang) sát cánh cùng bộ đội trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, năm 1993. Ảnh: Tư liệu
Trung tướng Trịnh Trân, Tư lệnh BĐBP (bìa phải) thăm, động viên đồng bào các dân tộc H.Xín Mần (Hà Giang) sát cánh cùng bộ đội trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, năm 1993. Ảnh: Tư liệu
Phản kháng quyết liệt
Từ cuối 1977, dân binh Trung Quốc tăng cường vượt biên sang khu vực Hồ Pả, Mã Tẻn (xã Bản Máy, H.Hoàng Su Phì) xâm canh trái phép. Ngày 20.7.1978, lính Trung Quốc lén lút di chuyển cột mốc biên giới vào sâu trong đất ta ở khu vực Mã Tẻn và phục kích 3 cán bộ chiến sĩ đồn BP Bản Máy (do thiếu úy Nguyễn Xuân Thiều làm tổ trưởng) đang làm nhiệm vụ tuần tra dọc đường biên theo kế hoạch. “Họ khăng khăng là chúng tôi đi sang đất họ, vi phạm chủ quyền. Tôi chỉ dấu đất, nói thẳng: Các ông làm trò mèo, di chuyển cột mốc và cố tình vu khống chúng tôi”, ông Nguyễn Xuân Thiều kể lại vậy và nhớ lại: "Binh lính Trung Quốc la ó, bắt trói rồi khiêng cả tổ về nhà kho bên họ, liên tục đánh đập, bắt ký biên bản “thừa nhận vi phạm chủ quyền”. Khi bộ đội ta cương quyết từ chối, chúng dùng cả sống dao và báng súng đánh như tra tấn, rất dã man… Ngày hôm sau, đại diện đồn BP Bản Máy sang tận trạm BP Pao Lèng Cái (Trung Quốc) phản kháng quyết liệt, phía Trung Quốc mới thả 3 bộ đội ta.

Cán bộ chiến sĩ Đồn BP Sơn Vĩ (H.Mèo Vạc, Hà Giang) và cán bộ nhân dân địa phương thắp hương tưởng niệm tại bia ghi danh liệt sĩ của xã Sơn Vĩ. Ảnh: Mai Thanh Hải
Cán bộ chiến sĩ Đồn BP Sơn Vĩ (H.Mèo Vạc, Hà Giang) và cán bộ nhân dân địa phương thắp hương tưởng niệm tại bia ghi danh liệt sĩ của xã Sơn Vĩ. Ảnh: Mai Thanh Hải
5 chọi 50
Tôi tìm đến nhà thương binh Nguyễn Vũ Dương (nguyên phó đồn trưởng Đồn BP Lũng Làn, BĐBP Hà Giang) ở P.Nguyễn Trãi, TP.Hà Giang, nghe ông kể: Từ năm 1975, phía Trung Quốc đã 11 lần lấn chiếm, định cướp khu vực đất đai màu mỡ rộng 6 km2 của bản Lũng Ly (xã Sơn Vĩ, H.Mèo Vạc, Hà Giang), nhưng đều bị BĐBP và nhân dân đẩy đuổi.

Ông Nguyễn Vũ Dương kể lại chuyện chống lấn chiếm và thoát khỏi sự truy bắt của lính Trung Quốc, tháng 10.1978 ở khu vực thôn Lũng Ly (xã Sơn Vĩ, H.Mèo Vạc). Ảnh: Mai Thanh Hải
Ông Nguyễn Vũ Dương kể lại chuyện chống lấn chiếm và thoát khỏi sự truy bắt của lính Trung Quốc, tháng 10.1978 ở khu vực thôn Lũng Ly (xã Sơn Vĩ, H.Mèo Vạc). Ảnh: Mai Thanh Hải
Sáng 10.8.1978, phía Trung Quốc đưa 50 người gồm xã viên công xã Tà Sáy và binh lính BP cải trang sang phát cây, cuốc đất, trồng trọt tại mảnh đất của bản Lũng Ly và bị tổ tuần tra 3 người của Đồn BP Lũng Làn (do thiếu úy Nguyễn Vũ Dương làm tổ trưởng) phát hiện. Biết đối phương đông, ông Dương xin tăng cường và được chỉ huy đồn bổ sung thêm 2 người. Thấy 5 cán bộ chiến sĩ đồn BP Lũng Làn đến thuyết phục, phía Trung Quốc dùng dao rựa, cuốc xẻng bao vây và tới tấp tấn công. Mặc dù có mang theo súng đạn, nhưng tổ công tác vẫn kiên nhẫn chống đỡ đòn thù bằng báng súng và vai, lưng. “Tôi thấy chúng cố tình đánh gục để bắt sống, nên cử 2 chiến sĩ phá vây chạy về đồn báo cáo tình hình. 3 anh em còn lại xoay trần chịu đòn. Sau 2 tiếng đồng hồ chống đỡ, anh em đều mệt, lính Trung Quốc quăng dây giật ngã và lao vào trói chúng tôi, định khiêng sang công xã Tả Sáy bên kia biên giới”, ông Dương nhớ lại vậy và trầm giọng: “Trong lúc chúng đi chặt cây làm đòn khiêng, anh Hoàng Văn Nở cọ dây trói vào tảng đá sắc làm đứt dây, đánh gục tên lính gác và bí mật cởi trói, giải cứu tôi và chiến sĩ Nguyễn Văn Định. 3 anh em chạy về đến nửa đường, mới thấy lực lượng ta và nhân dân các bản quanh đấy ào ào lao lên, đuổi bọn lấn chiếm về bên kia”…

Bộ đội Đồn BP Săm Pun (nay là Đồn BP Xín Cái) cùng dân quân địa phương tuần tra bảo vệ biên giới, năm 2001. Ảnh: Tư liệu
Bộ đội Đồn BP Săm Pun (nay là Đồn BP Xín Cái) cùng dân quân địa phương tuần tra bảo vệ biên giới, năm 2001. Ảnh: Tư liệu
Suýt bị bắt, ở Xín Mần
Ông Vương Tiến Chi (nguyên chính trị viên Đồn BP Xín Mần, giai đoạn 1972 - 1978) kể: “Cuối tháng 12.1978, chúng tôi suýt bị phía Trung Quốc bắt cóc” và nhớ lại: "Trên địa bàn H.Xín Mần (Hà Giang) có gần 500 hộ người Hoa sinh sống. Đầu năm 1978, phía Trung Quốc gây ra sự kiện “nạn Kiều” và lừa gạt, kích động, cưỡng ép người Hoa “trở về cố quốc”.

Thượng tá Bùi Văn Huân (Phó trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Hà Giang) cùng cán bộ chiến sĩ Đồn BP Nghĩa Thuận tặng áo ấm cho trẻ em biên giới Quản Bạ. Ảnh: Mai Thanh Hải
Thượng tá Bùi Văn Huân (Phó trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Hà Giang) cùng cán bộ chiến sĩ Đồn BP Nghĩa Thuận tặng áo ấm cho trẻ em biên giới Quản Bạ. Ảnh: Mai Thanh Hải
Từ cuối tháng 5.1978, người Hoa ở Xín Mần rục rịch chuyển đồ đạc và đến 22.11.1978, toàn bộ 413 hộ (2.165 nhân khẩu) người Hoa trong huyện đã sang hẳn Trung Quốc (trong đó có 15 đảng viên, 1 phó chủ tịch MTTQ huyện và Bí thư Chi bộ, Chủ tịch UBND xã Xín Mần).
Cũng thời gian này, một số người Hoa ở H.Bắc Hà (Lào Cai) sang Trung Quốc bằng đường Xín Mần và mắc kẹt ở thôn Hậu Cấu Mèo (xã Chí Cà, H.Hoàng Su Phì) gần 1 tuần, do phía Trung Quốc lấy cớ “phải sàng lọc phân loại” (mục đích là gây khó khăn cho ta). Khi BĐBP và chính quyền địa phương lên vận động, một số đối tượng hô hào “người Kinh lên cướp” và bỏ chạy sang bên biên giới, bỏ lại một số đồ dùng cá nhân.

Cán bộ chiến sĩ Đồn BP Lũng Cú và lực lượng địa phương kiểm tra mốc 411 nằm ở địa bàn khó khăn, khắc nghiệt. Ảnh: Mai Thanh Hải
Cán bộ chiến sĩ Đồn BP Lũng Cú và lực lượng địa phương kiểm tra mốc 411 nằm ở địa bàn khó khăn, khắc nghiệt. Ảnh: Mai Thanh Hải
“Để giải quyết tình hình và trao trả đồ dùng mà người Hoa bỏ lại, cuối tháng 12.1978, tôi được giao nhiệm vụ dẫn đoàn công tác sang đàm phán tại Đô Long, Trung Quốc. Cuộc làm việc rất căng thẳng. Phía Trung Quốc vu khống ta đánh đuổi, cướp tài sản của người Hoa và họ kiên quyết không nhận số đồ dùng mà ta trả lại”, ông Chi kể vậy và trầm giọng: “Kết thúc hội đàm, phía Trung Quốc cố nài ép chúng tôi ở lại ngủ qua đêm, khiến tôi cảnh giác, cương quyết ra về. Khi đến đất mình, mới biết bên họ định bắt cóc làm con tin và anh em đã vũ trang bảo vệ”…

Bia ghi tên liệt sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, tại xã Phú Lũng, H.Yên Minh, Hà Giang. Ảnh: Mai Thanh Hải
Bia ghi tên liệt sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, tại xã Phú Lũng, H.Yên Minh, Hà Giang. Ảnh: Mai Thanh Hải
Đây là cuộc hội đàm cuối cùng của BĐBP Hà Giang với Trung Quốc. Mặc dù 2 bên đã cắt đứt quan hệ đối ngoại và chuẩn bị chiến tranh, nhưng phía Trung Quốc vẫn kích động, lôi kéo nhiều cán bộ, nhân dân ta. Cuối 1978, gần 180 hộ người Mông ở thôn Si Khà Lá (xã Pà Vầy Sủ) và thôn Bản Phố (xã Chí Cà) chạy sang Trung Quốc (trong đó có 7 đảng viên, gần 20 cán bộ, mang theo 17 khẩu súng)…
... “Năm 1978, phía Trung Quốc gây ra 32 vụ lấn chiếm ở 11 điểm trên tuyến biên giới tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang). So với các năm trước, tăng đột biến và về số vụ và tính chất hung bạo, khiêu khích”…
(Nguồn: BCH BĐBP tỉnh Hà Giang)
(còn tiếp)
Theo Mai Thanh Hải (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm