Kinh tế

Nông nghiệp

Giữ gìn thương hiệu hồ tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giữ gìn thương hiệu hồ tiêu Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng là vấn đề được rất nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và nông dân quan tâm, nhất là khi loại cây trồng này đang chết hàng loạt do dịch bệnh, sản phẩm rớt giá thảm hại và tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) còn phổ biến.

Cảnh báo về dư lượng thuốc BVTV

Là người có khá nhiều đề tài nghiên cứu về cây hồ tiêu, Thạc sĩ Nguyễn Trần Quyện-Trưởng bộ môn Canh tác và BVTV của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên) cho rằng: Điều lo lắng nhất hiện nay là tình trạng dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm hồ tiêu vượt ngưỡng cho phép.

 

Thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: internet
Thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: internet

Vấn đề này ngày càng trở nên phổ biến và có chiều hướng nghiêm trọng hơn khi sản phẩm hồ tiêu Việt Nam liên tục bị cảnh báo vì không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. “Năm 2013, thị trường châu Âu đã cảnh báo 2 trường hợp sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam bị nhiễm vi sinh vật. Cộng hòa liên bang Đức cũng đã phát hiện và cảnh báo dư lượng của 5 hoạt chất thuốc BVTV trong sản phẩm hồ tiêu Việt Nam. Tại Gia Lai, năm 2015, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê gửi 2 mẫu hồ tiêu đi đánh giá dư lượng thuốc BVTV thì đều không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu. Trong đó, dư lượng Metalaxyl vượt ngưỡng gấp 3 lần và Carbendazim vượt ngưỡng gấp 10 lần”-ông Quyện dẫn chứng.

Về vấn đề này, ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, cho rằng: “Khi phun thuốc BVTV, chúng tôi đều tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn.Thậm chí, một số loại thuốc BVTV bán trên thị trường có hướng dẫn thời gian cách ly là 15 ngày nhưng chúng tôi cách ly đến 35 ngày mới thu hoạch. Tuy nhiên, khi kiểm tra, hạt tiêu vẫn còn dư lượng thuốc BVTV”.

Theo ông Nguyễn Trần Quyện, nguyên nhân chính gây tồn dư thuốc BVTV trong sản phầm hồ tiêu (chủ yếu là hạt tiêu đen) là do việc phun thuốc BVTV không đảm bảo thời gian cách ly cần thiết. Vì vậy, ông Quyện khuyến cáo nông dân cần thận trọng trong việc lựa chọn và sử dụng thuốc BVTV cho cây hồ tiêu. Để đảm bảo không còn tồn dư thuốc BVTV trong hạt tiêu, thời gian cách ly cần thiết khoảng 150 ngày. Bên cạnh đó, nông dân nên phun rửa vườn và sử dụng các công nghệ chế biến có công đoạn rửa hạt tiêu để tẩy rửa thuốc BVTV còn bám trên bề mặt hạt tiêu...

Kiến nghị vấn đề này, ông Hoàng Phước Bính cho rằng, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng thuốc BVTV trên thị trường; xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV vi phạm để tránh gây thiệt hại cho người dân.

Xây dựng chỉ dẫn địa lý

Cũng theo ông Bính, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý là cần thiết đối với sản phẩm hồ tiêu của tỉnh. “Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất nhì thế giới. Trong đó, Gia Lai là địa phương có sản lượng hồ tiêu lớn (khoảng 45.000 tấn/năm) và chất lượng hồ tiêu đứng đầu Tây Nguyên. Hiện sản phẩm hồ tiêu Chư Sê đã được công nhận là nhãn hiệu tập thể. Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý sẽ là cơ hội quan trọng để loại cây trồng chủ lực này của tỉnh phát triển bền vững, đóng góp nhiều cho kinh tế của địa phương”-ông Bính nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với một sản phẩm nông nghiệp hiện đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe. Ông Phan Ngân Sơn-Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: “Để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một sản phẩm thì sản phẩm đó phải có tính chất đặc thù (ví dụ: điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, truyền thống sản xuất của người địa phương…). Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cũng có tính hai mặt, do phải khoanh vùng chỉ dẫn nên một số địa phương lân cận có sản phẩm tương tự sẽ bị ảnh hưởng”.

Việt Nam hiện có 55 đặc sản nông nghiệp có chỉ dẫn địa lý. Gia Lai dù có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng như: hồ tiêu Chư Sê, khoai lang Lệ Cần, mật ong... nhưng chưa sản phẩm nào có chỉ dẫn địa lý. Đây chính là vấn đề trăn trở của lãnh đạo địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cho rằng, để đẩy mạnh việc xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp, các ngành, địa phương cần nhanh chóng triển khai nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh. Đặc biệt, cần phân tích kỹ các mặt thuận lợi và khó khăn để từ đó tỉnh có những giải pháp phù hợp.

Cũng đưa ra một số đề xuất liên quan đến phát triển bền vững cây hồ tiêu, Thạc sĩ Nguyễn Trần Quyện cho rằng, Gia Lai cần tập trung nghiên cứu những sản phẩm có giá trị cao như: tiêu trắng, tinh dầu hồ tiêu… Đồng thời, tỉnh cần mở rộng liên kết giữa các hộ sản xuất, doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm hồ tiêu trên thị trường.

Toàn tỉnh hiện có 16.322 ha hồ tiêu (12.650 ha đang kinh doanh và 3.672 ha kiến thiết cơ bản). Năng suất hồ tiêu bình quân đạt 35,6 tạ/ha, sản lượng khoảng 45.000 tấn/năm.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017 đạt 214,9 ngàn tấn, kim ngạch đạt 1,12 tỷ USD (tăng 20,8% về lượng nhưng giảm 21,7% về giá trị so với năm 2016). Hiện nay, mặt hàng hồ tiêu của Việt Nam đã có mặt ở hơn 100 thị trường trên thế giới. Việt Nam cũng đang là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm