Kinh tế

Giá cả thị trường

Giữ ổn định nguồn cung xăng dầu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng và đang “neo” ở mức khá cao so với năm 2021. Tuy nhiên, Gia Lai không để xảy ra trường hợp bất ổn về xăng dầu, các thương nhân luôn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và đảm bảo an ninh năng lượng.

Không để xảy ra khan hiếm nguồn hàng

Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên hiện chiếm 53,26% thị phần kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh với 67 cửa hàng bán lẻ và gần 100 thương nhân nhận quyền thương mại cho đơn vị. Ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Công ty-cho biết: Tình hình kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng đầu năm nay cực kỳ khó khăn. Nếu thời điểm trước tháng 1-2022, giá xăng dầu khoảng 16-17 ngàn đồng/lít, giờ lên đến hơn 30 ngàn đồng/lít. Bán 1 xe hàng lúc trước được 300-400 triệu đồng, bây giờ thì gần cả tỷ đồng. Trong khi đó, chiết khấu dành cho các thương nhân phân phối, nhận quyền của Công ty rất thấp so với vốn bỏ ra.

“Gia Lai nằm xa cảng nên các đầu mối đều phải nhập từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định… nhưng giá tại các kho đầu nguồn lại bằng giá bán lẻ, cộng với chi phí vận chuyển và các chi phí vận hành khác nên hoạt động kinh doanh hầu hết đều bị lỗ. Có lúc thù lao cho các thương nhân nhận quyền gần bằng không. Tuy nhiên, Công ty vẫn luôn cam kết đảm bảo nguồn hàng cung ứng ra thị trường”-ông Long khẳng định.

Thời gian qua, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh được giữ ổn định. Ảnh: Vũ Thảo
Thời gian qua, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh được giữ ổn định. Ảnh: Vũ Thảo


Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí PV Oil miền Trung là đơn vị chiếm thị phần lớn thứ 2 (khoảng 19%) tại Gia Lai với 19 cửa hàng bán lẻ trực thuộc hệ thống và 49 thương nhân nhận quyền. Ông Phạm Ngọc Thạch-Giám đốc Công ty-cho hay: “Mặc dù tình hình hoạt động rất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo cung cấp 100% lượng hàng theo cam kết đối với hệ thống cửa hàng kinh doanh nhượng quyền, không để xảy ra tình trạng đứt hàng, khan hiếm nguồn hàng”.

Còn ông Trần Văn Thành-Giám đốc điều hành Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư Nam Phúc Gia Lai thì phân tích: Gia Lai được tính là vùng II, do đó có lợi thế hơn so với các tỉnh thành vùng I. Bởi giá từ kho của 2 vùng bằng nhau nhưng được cộng thêm chiết khấu (xăng là 610-650 đồng, dầu 590 đồng) nên cũng phần nào bù đắp chi phí vận chuyển. Trong những thời điểm nguồn hàng khó khăn, cũng như biến động tăng giá liên tục thì các đại lý của Công ty vẫn được cung ứng hàng đầy đủ.

Giữ ổn định kinh doanh

Toàn tỉnh hiện có 421 cửa hàng bán lẻ xăng dầu của 209 thương nhân, trong đó có 156 công ty TNHH, 48 doanh nghiệp tư nhân, 2 hợp tác xã và 3 đơn vị quân đội. Ngoài ra, còn có 8 thương nhân đầu mối, 3 tổng đại lý và 9 thương nhân phân phối của một số tỉnh tham gia kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm nay, các thương nhân kinh doanh xăng dầu đã bán ra thị trường với sản lượng 156.000 m3 (đạt khoảng 52% so với kế hoạch, tăng 2,95% so với cùng kỳ năm trước) với tổng doanh thu đạt 3.950 tỷ đồng (tăng 61,53% so với cùng kỳ năm 2021); đã đóng thuế bảo vệ môi trường khoảng 298 tỷ đồng (giảm 22,07% so với cùng kỳ năm trước, do áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường kể từ ngày 1-4-2022); thuế VAT khoảng 259 tỷ đồng và thuế môn bài khoảng 842 triệu đồng.

 


Theo quyết định của Liên bộ Công thương-Tài chính, từ 0 giờ ngày 11-7, giá xăng E5 RON92 bán lẻ giảm 3.103 đồng/lít, xuống còn tối đa 27.788 đồng/lít. Xăng RON95-III bán lẻ giảm 3.088 đồng/lít, xuống còn 29.675 đồng/lít. Giá dầu diesel 0.05S xuống còn 26.593 đồng/lít sau khi giảm 3.022 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu hỏa giảm 2.008 đồng/lít, xuống còn 26.345 đồng/lít, trong khi dầu mazut 180CST 3.5S giảm 2.010 đồng/kg xuống còn không cao hơn 17.712 đồng/kg.

Theo đánh giá của ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương: Xăng dầu là mặt hàng rất quan trọng có tác động lớn đến hoạt động của nền kinh tế. Do đó, xây dựng một hệ thống cung ứng ổn định là vấn đề cấp thiết. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Công thương, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp nên thị trường xăng dầu trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng mất cân đối, nguồn hàng được đơn vị đầu mối cung ứng đầy đủ, không xảy ra trường hợp đóng cửa vào những thời điểm nhạy cảm. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh xăng dầu đã đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách địa phương với khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

“Hiện nay, còn 1 đơn vị đầu mối và 5 thương nhân phân phối chưa đăng ký chi nhánh tại Gia Lai nên chưa thực hiện nộp thuế bảo vệ môi trường với số tiền khoảng 100 tỷ đồng. Thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục vận động các đơn vị thành lập chi nhánh tại tỉnh. Qua nắm bắt tình hình xăng dầu trong nước và khả năng tăng trưởng của các thương nhân trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, 6 tháng cuối năm, tổng sản lượng bán ra thị trường dự kiến đạt khoảng 143.525 m3 với doanh thu khoảng 4.018 tỷ đồng”-ông Binh thông tin thêm.

 

 VŨ THẢO

 

Có thể bạn quan tâm