Phóng sự - Ký sự

Giữ "trái tim" của làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trời chợt nắng, chợt mưa. Mặc cho tiết trời “đỏng đảnh”, hơn 100 người dân làng Kon Nhên (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) vẫn không ngơi tay, hăng hái chẻ tre, chặt mây, xếp lá, lợp mái nhà rông - “trái tim” của làng.

Những người già ở làng Kon Nhên cũng không biết nhà rông có tự bao giờ. Họ chỉ biết rằng, khi thấy ánh mặt trời cũng là lúc họ thấy nhà rông. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, họ tham gia những lễ hội văn hóa được tổ chức ở nhà rông; nhìn ngắm trống thiêng, chiêng quý được cất giữ tại nhà rông; nghe chuyện kể của các thế hệ đi trước và dần hiểu ý nghĩa của nhà rông. Cứ thế, không biết bao nhiêu thế hệ đã qua, dù cuộc sống đổi thay, nhưng với người Xơ Đăng nơi đây, nhà rông luôn là nơi lưu giữ giá trị tinh thần thiêng liêng, là “trái tim”, là “hồn” của làng. Bởi vậy, dù làm gì, ở đâu, trong những ngày làm nhà rông, ai cũng tự nguyện góp công, chung sức bảo tồn “trái tim” của làng.

Sừng sững trong nắng, trong mưa, dù được làm kiên cố, nhưng theo thời gian, nhà rông cũng dần xuống cấp. Trong làng, không ai nhớ bao lần làm, bao lần sửa lại. Già A Hoàng (63 tuổi), nhiều lần tham gia cùng dân làng Kon Nhên sửa, dựng nhà rông. Và lần này, khi bà con lại tụ họp, bàn nhau lợp lại mái tranh đã bị hư hỏng, sửa lại những tấm phên không còn lành lặn, già cũng nhiệt tình góp sức.


 

Chung sức sửa nhà rông. Ảnh: H.T
Chung sức sửa nhà rông. Ảnh: H.T


Những cuộc họp bàn tu sửa nhà rông luôn có rất đông người dân trong làng tham dự. Bởi bà con ý thức rằng, đó là trách nhiệm gìn giữ văn hóa trong cộng đồng làng. Những ý kiến đưa ra được dân làng bàn bạc, chọn thời điểm đẹp nhất để làm nhà rông. “Bà con bàn, tháng 4 hoặc tháng 9 là hợp lý nhất. Vì thời điểm đó, chưa vào vụ mùa, mọi người có thể sắp xếp công việc để làm nhà rông” – Trưởng thôn U Bái kể lại.

Trong các cuộc họp, chuyện khó khăn trong tìm kiếm tranh, tre, mây cũng được đưa ra bàn bạc. Cái khó hiện hữu khi tranh ngày càng khan hiếm, nhưng không một ai nêu ý kiến thay mái tranh nhà rông bằng tôn. Già A Hoàng nói giữa dân làng, không có tranh thì lợp bằng mây. Mái làm bằng tôn, nhìn nhà rông thô cứng lắm, dân làng không thích.

Từ kinh nghiệm sống, người dân bàn với nhau rằng, về độ bền, lá tranh và lá mây tương đương nhau. Hơn thế, lá mây nhẹ hơn, dễ lợp hơn, đặc biệt là lựa chọn tốt nhất trong điều kiện thiếu lá tranh như hiện nay. Thế là, không có tranh thì dùng lá mây. Thống nhất ý kiến, công việc được vạch lên rõ ràng, nhiệm vụ được giao cụ thể, bà con bắt tay vào việc sửa nhà rông.


 

- Người già cặm cụi chẻ tre, vót mây. Ảnh: H.T
 Người già cặm cụi chẻ tre, vót mây. Ảnh: H.T



Dân làng khởi công sửa chữa nhà rông đúng ngày Tết Độc lập. Ngoài dàn cột gỗ được giữ lại, tất cả đều làm mới. Chị em phụ nữ đi hái mây, đàn ông, thanh niên đi chặt tre, người già ở làng phơi “xì rắc” (theo tiếng Xơ Đăng, một loại dây để bện, để cột). Ai nấy đều nỗ lực làm việc của mình.

Nhìn những người phụ nữ lội bộ hơn 2 tiếng đồng hồ, vào tận rừng sâu để chặt mây, cõng từng bó mây nặng trịch qua những con dốc, tôi tự hỏi, không biết bằng sức mạnh nào mà họ có thể làm được như thế. “Mệt lắm chứ, nhưng nếu ai cũng tị nạnh nhau thì không có mây để lợp mái. Phải chung sức thì nhà rông mới mau chóng hoàn thành”– chị Y Han nói, giải đáp cho băn khoăn của tôi.

 

Chị em phụ nữ tất bật chuẩn bị mây. Ảnh: H.T
Chị em phụ nữ tất bật chuẩn bị mây. Ảnh: H.T


Mây chất chồng, nhưng theo lời của trưởng thôn, nhắm chừng, vẫn còn thiếu. Những bãi mây ở rừng ngày cũng ít hơn, đồng nghĩa với nay mai, các chị em phải đi xa hơn để tìm kiếm. “Biết là thế, nhưng chị em chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng. Miễn sao nhà rông đẹp, bà con đoàn kết là được” - chị Y Buồn nói.

Ngoài sân, chị em soạn, xếp mây. Phía dưới nhà rông, tiếng vót tre soàn soạt. Những cụ già thành thạo dùng những con dao nhọn hoắt, bén ngọt vót từng thanh tre, sợi lạt. Tuổi già, ngồi đôi chút đã đau lưng, mỏi gối, thế mà họ miệt mài ngồi vót cả ngày trời. Lấy mớ lạt đã làm xong, già A Hoàng thật thà: “Nhà mình có 3 người đang cùng làm nhà rông. Ai làm được việc gì thì làm, không ỷ lại. Mấy việc này, tưởng chừng như khó nhưng lại thật dễ nếu có sự chung sức, đồng lòng”.

Nhà rông cao vút, để lợp được mái, bộ giàn giáo cũng phải chắc chắn, đủ độ cao, đảm bảo an toàn. Bởi thế, từ nhiều ngày trước, lớp thanh niên trong làng quần quật chọn cây làm giàn giáo. Chuẩn bị chu đáo, giờ đây, mỗi thanh niên lại an tâm treo mình trên cao lợp mái.

Không như tranh, đan thành tấm rồi kéo lên lợp. Với mây, người dân phải khéo léo xếp từng cây, từ dưới lên trên, tạo thành các lớp. Nhiều thanh niên chưa từng lợp nhà, thế mà giờ đây, dưới sự hướng dẫn của bậc cao niên trong làng, họ nhanh chóng thành thạo, trải đều từng lớp lá mây, đều đặn và đẹp mắt.

 

Thanh niên dồn sức lợp mái nhà rông. Ảnh: HT
Thanh niên dồn sức lợp mái nhà rông. Ảnh: HT


 
Sau một tháng, công việc vẫn còn bộn bề. Theo nhẩm tính của bà con trong làng, cũng phải mất thêm nửa tháng, việc sửa sang mới hoàn thành. Điều đó đồng nghĩa phải trì hoãn thêm việc nhà, tuy nhiên, ai cũng cố gắng sắp xếp mọi việc ổn thỏa. Trưởng thôn U Bái cũng nói thêm, bà con đã bàn bạc, ưu tiên cho phụ nữ nghỉ vào ngày thứ 7, chủ nhật để tranh thủ làm việc nhà.

Nhiều phần việc nhà rông vẫn chưa làm xong nên ai nấy đều gắng sức. Chỉ vào bảng chấm công mỗi ngày, Trưởng thôn U Bái cho hay, có một số ít hộ gia đình chưa tham gia đều đặn. Sắp tới, ban nhân dân thôn sẽ tham gia vận động để mọi người cùng thực hiện. Cùng với đó, thôn cũng huy động xã hội hóa để bà con tổ chức lễ mừng nhà rông mới.

Trời về trưa, mồ hôi ướt đẫm những tấm áo bạc màu. Từ trên mái nhà cho đến dưới sân, bà con bàn đến chuyện làm lễ mừng nhà rông mới để có thêm động lực làm việc. Quả thật, mường tượng về cảnh dân làng quây quần nối vòng xoang, nổi cồng chiêng dưới mái nhà rông mới, tiếng cười nói lại rôm rả, mệt mỏi như tan biến.

Sửa nhà rông và bà con cũng bàn cách giữ gìn nhà rông. “Trong quá trình họp, bà con cũng bàn cách chống cháy, giữ gìn nhà rông. Điện phải tắt sau khi sử dụng; bà con cũng sẽ chú ý khi đốt rác để không ảnh hưởng đến nhà rông; đặc biệt, nghiêm cấm trẻ em đến phá hoặc đốt lửa tại nhà rông” – ông A Noang, người già ở làng nói.

Nghe chuyện và chứng kiến cách bà con sửa nhà rông, tôi càng thêm háo hức, mong chờ ngày được ngắm nhìn nhà rông mới cho thỏa thích. Nhìn dân làng miệt mài với công việc và cười nói vui vẻ khi sửa nhà rông, tôi tin “trái tim”, “hồn” làng Kon Nhên sẽ còn mãi với thời gian.  

Theo HOÀI TIẾN (baokontum)

https://www.baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/giu-trai-tim-cua-lang-26565.html

 

Có thể bạn quan tâm