Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Giữa hai miền đông giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cũng là mùa đông mà giữa 2 miền Đông-Tây dãy Trường Sơn tiết trời khác nhau đến lạ. Phía Tây, mùa đông-chớm khô. Nắng vàng nhạt, mênh mông đến mơ hồ nâng bầu trời xanh lơ cao dần đến quá trưa rồi xuống thấp. Mây xám cuối mùa mưa trắng dần, tơi ra từng mảng, nhẹ mỏng hơn khi lơ lửng, lúc nhẹ trôi theo gió chừng cũng mơ hồ chẳng rõ đến từ phương nào. Nắng nhẹ, gió nhẹ nên dễ quan sát gương mặt bầu trời trong trẻo, rạng rỡ hơn so với mỗi ngày từ buổi bình minh rồi đọng lại chút buồn phảng phất cuối ngày! Nhận diện đông về còn có dã quỳ vàng tươi từng đóa, từng đóa.
Thoắt đấy đã ngờm ngợp rực vàng choàng lên đỉnh Chư Đang Ya, ven bờ Biển Hồ, dọc những con đường đất đỏ… Nhận diện đông về còn có cỏ đuôi chồn trải sắc nâu lả lướt, dập dờn; cỏ hồng mơ mải từng vạt, dọc thung sâu, đồi dốc triền lơ mơ nắng gió. Chớm đông, thảng hoặc cơn mưa rất nhẹ, chỉ loáng qua chừng để nhắc nhớ miền xa nào đấy đang mưa gió bời bời!
Đông se sắt dần. Nắng vàng hơn, trời nhiều gió mang theo hơi lạnh khô nên người già, trẻ con đêm trở giấc cùng tiếng ho khan. Và nắng ấy, gió ấy ủ sắc hồng trên đôi gò má thiếu nữ. Cuối đông, ngày dài hơn. Một chiều nào đó dừng chân giữa thảo nguyên mênh mông ngắm hoàng hôn, trước ngờm ngợp trước bao la trời đất mà thấy mình bé bỏng như bị cuốn trôi theo bóng ngày dần chậm hút.
Cuối đông, mùa cao su trút lá. Lá bắt đầu chuyển màu. Một sáng mai thức dậy, dưới nắng hanh vàng sậm, cơn gió như vô tình ngang qua, vườn cây rùng rùng đồng loạt trút lá, dứt khoát và mạnh mẽ. Dưới mặt đất, lá vàng từng lớp từng lớp cựa mình răng rắc, giòn khô theo gió cuộn tròn từng đụn rồi xô dạt như sóng nhồi, nước xoáy. Rừng cao su thẳng hàng, đúng lối giơ cánh tay khẳng khiu, gầy guộc như rũ bỏ tất cả để đón nắng, gọi gió cho cuộc hồi sinh. Một chút bâng khuâng buồn. Một chút nuối tiếc, ngẩn ngơ…
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Ở dải đất miền Trung, chớm đông là những ngày mưa-bão-lũ. Sống trong mùa mưa bão là tâm trạng bất an, lo lắng và cam chịu. Đến cuối tháng 10 Âm lịch, qua thời điểm: “Ông tha, bà không tha lụt hai ba tháng mười” mới dám trút tiếng thở dài, đón luồng sinh khí mới.
Mùa đông, gió bấc lạnh lạnh lùa, mưa rây giăng mắc. Trong ngày, hiếm hoi nắng mỏng manh tia sợi vén màng mây trũng nước, đón sắc cầu vồng hiện ra rồi sầm sầm mây xám nặng chì che khuất.
Thi thoảng cũng có ngày nắng đẹp, kéo dài từ chớm trưa đến đầu chiều. Tranh thủ lúc nắng lên, công việc cứ đẩy người ta đi, chân không bén đất. Khói đã tỏa ra từ những lò tráng bánh, giục mang vỉ bánh tìm chỗ nhiều nắng mà phơi cho khô kẻo bánh sượng, mất ngon. Nắng lên, nhà nhà tranh thủ mang chiếu chăn, quần áo ra sông, ra giếng giặt phơi cho thơm mùi nắng. Nắng lên, sửa sang rào giậu, quét trước dọn sau, đốt rác sạch vườn sạch ngõ…
Không gian miền quê trở nên hoạt náo cảnh ra đồng làm đất, xuống giống vụ Đông Xuân. Vườn nhà, bờ doi, cồn cát, những luống đất ngai ngái hương phù sa cứ dần hiện ra màu xanh rau trái, hoa màu nảy mầm đón nắng, ngậm sương, khép mình trong mưa phùn gió bấc.
Cuối đông, mùa tảo mộ. Trong nắng ấm, dưới mưa sương gò đống lô nhô mả vôi, mả đất họ nhà ai đang tảo mộ. Khói hương nghi ngút bay lên. Trong tâm thức mỗi người nghe như có hồn người xưa vọng về, thiêng liêng mà gần gũi.
Mùa đông giữa 2 miền tuy không quá đỗi cách xa mà vời vợi nhớ, mênh mông thương muốn xuôi ngược tìm về, lắng hồn trải nghiệm…
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm