Học sinh bỏ học sau tết là nỗi lo chung của nhiều thầy cô giáo, nhà trường khi kỳ nghỉ kéo dài từ 7-16 (tùy theo địa phương).
Chẳng hạn, Khánh Hòa được nghỉ tết 14 ngày (từ ngày 5.2 đến 18.2), học sinh sẽ trở lại trường học tập ngày 19.2 (mùng 10 tết). Người viết nhận thấy hiện có một số nguyên nhân học sinh bỏ học sau tết.
Thứ nhất, vì cha mẹ lo làm ăn quanh năm không có thời gian quan tâm con cái. Vì vậy, nhiều em học hành sa sút, nảy sinh tâm lý chán nản, rồi bị bạn bè lôi kéo nên bỏ học. Cũng không ít trường hợp phụ huynh giữ quan niệm con không nhất thiết phải học hành đến nơi đến chốn, chỉ cần biết đọc biết viết rồi đi làm kiếm tiền là đủ.
Ở một số địa phương có tình trạng nhiều học sinh nghỉ học sau tết. ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH |
Thứ hai, một số em có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, phụ huynh không đủ tiền đóng các khoản thu của học kỳ 2 nên đành cho con bỏ học sau tết. Cũng có một số em bỏ học vì thích đi làm để kiếm tiền tiêu xài hoặc phụ giúp gia đình. Cá biệt có trường hợp cha mẹ cho con ở nhà đi lấy chồng, nhất là ở miền núi dân tộc ít người, nạn tảo hôn vẫn còn tồn tại.
Thứ ba, thầy cô nói chung và giáo viên chủ nhiệm có quá nhiều công việc nên chưa thể tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh thấu đáo để có giải pháp ngăn các bỏ học ngay từ đầu. Chỉ đến khi học sinh nghỉ học, giáo viên mới động viên, giúp đỡ thì đã muộn vì “mất bò mới lo làm chuồng”.
Để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học sau tết, chúng ta cần phải tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương, không chỉ động viên suông mà phải xem xét từng hoàn cảnh để có biện pháp hỗ trợ cụ thể về vật chất lẫn tinh thần như: chính sách miễn, giảm học phí; trợ cấp học phí, học bổng cho học sinh hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn.
Đối với học sinh học yếu có nguy cơ bỏ học, giáo viên nên sớm dạy phụ đạo ngay từ đầu năm học. ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH |
Đối với học sinh học yếu có nguy cơ bỏ học, giáo viên nên sớm dạy phụ đạo ngay từ đầu năm học.
Tổ tư vấn tâm lý học đường cần có kế hoạch giúp đỡ bằng việc kêu gọi các nhà hảo tâm đỡ đầu cho từng em “cặp lá yêu thương” “quỹ bạn nghèo”... Điều cần ghi nhớ thầy cô làm công tác tư vấn cần chủ động tìm đến, đừng ngồi đợi các em đến để tư vấn.
Về mặt tinh thần, hàng tuần, tổ tư vấn tâm lý học đường có thể chủ động thăm hỏi những em có nguy cơ bỏ học. Tổ tư vấn tâm lý có thể phối hợp với các đoàn thể như: Đoàn, Đội, Công đoàn cùng chính quyền địa phương nhằm động viên gia đình, giúp sức học sinh nghèo.
Mỗi học sinh có hoàn cảnh cuộc sống khác nhau. Thầy cô có thể tranh thủ dịp nghỉ tết để đến thăm nhà học sinh, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của các em để giúp đỡ kịp. Đây là việc làm thiết thực ý nghĩa góp phần ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học.