(GLO)- Những năm gần đây, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giúp hội viên, nông dân tiếp cận và áp dụng vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ông Rơ Mah Giáp-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết, để việc triển khai các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật có ý nghĩa thiết thực đối với bà con nông dân, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh đều chỉ đạo Hội Nông dân cấp huyện, xã tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của hội viên, nông dân. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, Hội đã phối hợp tổ chức hơn 500 buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ cho trên 350.000 lượt hội viên, nông dân trên địa bàn. Nội dung các buổi tập huấn đều hướng đến những vấn đề mà hội viên, nông dân đang có nhu cầu tìm hiểu như cách sử dụng phân bón đúng thời điểm, số lượng và kỹ thuật bón; cách giúp cây trồng hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất; cách trồng và chăm sóc cây cà phê, lúa nước; cách trồng và phòng trừ bệnh trên cây hồ tiêu; kỹ thuật chăn nuôi bò lai sinh sản…
Nhờ được tập huấn kỹ thuật, nhiều hội viên, nông dân đã áp dụng vào sản xuất có hiệu quả. Ảnh: N.H |
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác và từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, 3 năm qua (2015-2017), Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã triển khai 30 dự án trồng trọt, chăn nuôi với sự tham gia của hàng trăm hội viên, nông dân. Thông qua các dự án, hội viên, nông dân không chỉ được tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất có hiệu quả mà còn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để đạt hiệu quả sản xuất cao hơn. Điển hình như trường hợp gia đình ông Tào Văn Lang (thôn 7, xã Ia Blang, huyện Chư Sê). Trước đây, 15 ha đất của gia đình ông đều được sử dụng để trồng cao su và cà phê. Từ năm 2012, sau khi tham gia các buổi tập huấn dự án “Trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh trên cây hồ tiêu”, ông đã mạnh dạn chuyển đổi 2 ha đất trồng cao su sang trồng 2.000 trụ tiêu. Ông Lang cho biết: Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật và được vay vốn mà gia đình mới mạnh dạn chuyển sang trồng hồ tiêu nên thu nhập cao hơn. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu trên 2 tỷ đồng.
Ông Rơ Mah Giáp-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Tới đây, Hội sẽ tiếp tục phối hợp triển khai nhiều buổi tập huấn giúp nông dân tiếp cận khoa học công nghệ cao để áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao hơn. Cùng với đó, Hội sẽ tiếp tục vận động các hội viên, nông dân xây dựng các mô hình tổ liên kết trong sản xuất; hỗ trợ hội viên vay vốn từ các ngân hàng và các loại quỹ để đầu tư sản xuất có hiệu quả. |
Song song với các hoạt động tập huấn, triển khai dự án, Hội Nông dân tỉnh còn chỉ đạo Hội Nông dân ở cơ sở tích cực tuyên truyền, cầm tay chỉ việc để giúp hội viên, nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, chăn nuôi. Điển hình là Hội Nông dân phường Đống Đa (TP. Pleiku) đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn hội viên cải tạo vườn tạp để trồng cà phê và các loại rau màu. Nhờ đó, nhiều hộ đã có thêm việc làm và tăng thu nhập như gia đình bà Bir (làng Kép). Trước đây, 3 sào đất của gia đình bà từng bỏ trống nhiều năm. Năm 2015, được cán bộ Hội hướng dẫn, gia đình bà đã bắt tay vào trồng các loại rau màu để tăng thu nhập. Đặc biệt, gia đình đã áp dụng kỹ thuật trồng rau sạch để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Từ vườn rau này, trung bình mỗi ngày gia đình bà thu 200-300 ngàn đồng, vào vụ có ngày lên đến 500 ngàn đồng.
Ngoài ra, những năm gần đây, Hội Nông dân tỉnh còn xây dựng và phát triển 18 câu lạc bộ internet với 900 hội viên tham gia để tạo điều kiện cho hội viên, nông dân có điều kiện được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên hệ thống thông tin điện tử áp dụng vào sản xuất nhằm tăng năng suất, thu nhập. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 78.000 hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, số hội viên nghèo giảm dần. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” trên địa bàn tỉnh.
Nhật Hào