Kinh tế

Nông nghiệp

Giúp nông dân vay vốn phát triển sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nắng hạn kéo dài, giá cả các mặt hàng nông sản xuống thấp, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là những nguyên nhân khiến nhiều nông dân lâm vào cảnh khó khăn. Trước thực trạng này, Hội Nông dân các cấp đang tích cực phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ nông dân vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất.
Toàn tỉnh hiện có 220 Hội Nông dân cấp xã với 177.984 hội viên. Thời gian qua, Hội Nông dân cấp xã đã thành lập được 1.104 tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) với 45.281 thành viên. Đến nay, tổng dư nợ của các tổ tiết kiệm và vay vốn này đã lên đến hơn 1.451 tỷ đồng. Nhờ được vay vốn Ngân hàng CSXH mà nhiều hội viên, nông dân đã có việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ông Rơ Châm Huyh (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah) bộc bạch: “Được vay 30 triệu đồng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, nhà mình đã mua 2 con bò về nuôi, có tiền đầu tư cho rẫy cà phê, cải tạo vườn tạp. Nay con bò mẹ mới đẻ 1 bê con, nương rẫy, vườn tược có điều kiện chăm sóc nên phát triển tốt. Chắc năm sau, nhà mình sẽ trả hết nợ cho ngân hàng, có tích lũy”.
Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nuôi trồng thủy sản xã Ia Tô (huyện Ia Grai) kiểm tra lồng bè cá nuôi trong lòng hồ thủy điện Ia Grai 1. Ảnh: H.C
Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nuôi trồng thủy sản xã Ia Tô (huyện Ia Grai) kiểm tra lồng bè cá nuôi trong lòng hồ thủy điện Ia Grai 1. Ảnh: H.C
Theo bà Lê Thị Ánh Dương-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pah: “Hiện nay, huyện có 65 tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ hơn 90 tỷ đồng. Tuy có gặp những khó khăn nhất định nhưng được sự tư vấn, hỗ trợ của cán bộ tín dụng, cán bộ Hội các cấp, đa số bà con đầu tư vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả trong sản xuất, chăn nuôi, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ ngân hàng, rất ít hộ nợ quá hạn”.
Cùng với việc vay vốn tín chấp từ Ngân hàng CSXH, nhiều hội viên, nông dân đã mạnh dạn thế chấp tài sản để vay vốn các ngân hàng thương mại. Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với Agribank-Chi nhánh Gia Lai thành lập 1.022 tổ vay vốn với 22.959 thành viên, tổng dư nợ đến nay là hơn 2.190 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn vay, nhiều hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng trang trại, phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh. Ông Bùi Hữu Hoàng-thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nuôi trồng thủy sản xã Ia Tô (huyện Ia Grai) cho biết, gia đình ông vay vốn của Agribank để cùng Hợp tác xã mở rộng đầu tư lồng bè nuôi thả các loại cá trong lòng hồ thủy điện Ia Grai 1. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên giá cá bấp bênh, thu nhập không đáng kể chứ mọi năm, doanh thu của Hợp tác xã và gia đình ông đều rất ổn định.
Nhà nước đang có nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hội Nông dân các cấp tích cực phối hợp với các ngân hàng, nhất là Ngân hàng CSXH rà soát các đối tượng, tư vấn hướng dẫn cho bà con sử dụng vốn vay hiệu quả; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh miễn, giảm lãi suất, phí dịch vụ, thu gốc trước, thu nợ lãi sau đối với các khách hàng có khả năng trả nợ; thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Đồng thời, kiến nghị các cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ, đơn giản hóa trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để tạo điều kiện cho nông dân có cơ sở thế chấp các khoản vay, đảm bảo đầu tư đủ vốn, đôi bên cùng có lợi, phát triển biền vững.
Ông Lê Thanh Quang-Phó Giám đốc Agribank-Chi nhánh Gia Lai-đánh giá: “Thời gian qua, Chi nhánh và Hội Nông dân các cấp phối hợp thực hiện khá tốt các chính sách tín dụng, phát huy hiệu quả vốn vay nên nợ xấu chỉ chiếm 0,3% tổng dư nợ. Phát huy kết quả này, các bên tiếp tục phối hợp thực hiện đúng mục tiêu lựa chọn những mô hình sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh có hiệu quả để đầu tư đi đôi với kiểm soát tốt nguồn vốn, giúp nông dân không phải đi vay nặng lãi, vay “tín dụng đen”.
HOÀNG CƯ

Có thể bạn quan tâm