Nhiều ý kiến tâm huyết từ thực tiễn, đòi hỏi Đoàn phải không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để đáp ứng yêu cầu của người trẻ, xứng đáng là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên...
Trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI có nêu rất nhiều giải pháp để hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, sáng tạo khởi nghiệp.
Người trẻ giới thiệu các mô hình khởi nghiệp ứng dụng công nghệ. |
Tuy nhiên, từ thực tiễn, tôi nghĩ công tác Đoàn nhiều năm qua đã quan tâm hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên nông thôn, miền núi, nhưng trong giai đoạn hiện nay, sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường, nên đầu tư lựa chọn những hạt nhân nòng cốt chia theo nhóm, theo nghề để có sự hỗ trợ tập trung hơn.
Trên toàn H.Quản Bạ (Hà Giang), hiện có 132 mô hình phát triển kinh tế trong lĩnh vực chăn nuôi, chủ yếu là trâu, bò, dê… nhưng thanh niên đang làm chủ các mô hình cùng một loại vật nuôi, chủ yếu làm ăn đơn lẻ, mạnh ai nấy làm. Điều này khiến tổ chức Đoàn rất khó hỗ trợ bằng các chính sách hiện có và chính quyền địa phương không thể quy hoạch nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển quy mô lớn. Vật nuôi xuất chuồng chủ yếu bán cho thương lái, nhỏ lẻ, không thể liên kết với đơn vị giết mổ, tiêu thụ. Bên cạnh đó, thanh niên rất khó tiếp cận chính sách vay vốn hiện tại do không có tài sản thế chấp. Tuy có được vay ưu đãi, theo hình thức tín chấp thì mức vay khoảng 20 - 30 triệu đồng/hộ thanh niên cũng chỉ đủ đầu tư nuôi 1 con trâu hoặc 1 con bò.
Để tổ chức và hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế gắn với phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, T.Ư Đoàn nên có giải pháp định hướng, hướng dẫn liên kết giữa thanh niên đang làm chủ các mô hình kinh tế có cùng con giống, vật nuôi, nghề nghiệp và lĩnh vực kinh doanh… thành các nhóm nhỏ, tổ chức dưới dạng hợp tác xã toàn xã, hợp tác xã liên xã, chọn lựa một cá nhân làm nòng cốt.
Nếu tổ chức thành công mô hình này sẽ giúp chính sách hỗ trợ tín dụng dễ đi vào đời sống hơn, khi các gói vay vốn lớn, quy mô từ hàng trăm triệu đồng trở lên, dù ở Ngân hàng Chính sách xã hội hay các ngân hàng thương mại, đều hướng đến các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh quy mô lớn. Cách làm này góp phần tạo ra các mô hình hợp tác xã thanh niên, tạo cơ chế thuận lợi liên kết với doanh nghiệp, thu hút đầu tư, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ ngay từ khâu sản xuất cho đến bao tiêu sản phẩm.
Có giải pháp hỗ trợ các nhóm thanh niên yếu thế trong xã hội
Đoàn cần tiên phong cho việc thực hiện những chính sách hỗ trợ nhóm thanh niên yếu thế. Bởi vì, đó cũng là trách nhiệm cao cả của tổ chức đối với thành viên và nhờ đó, khoảng cách xã hội có thể giảm dần trong tương lai.
Cần xác định nhóm thanh niên yếu thế là nhóm cần được ưu tiên trong chương trình hoạt động. Bên cạnh đó, T.Ư Đoàn nên phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH, Bộ GD-ĐT thực hiện các dự án, chương trình hỗ trợ về nghề nghiệp, giáo dục...
Cần thực hiện các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận các cơ hội giáo dục cho các nhóm yếu thế. Hiện nay, thanh niên rất cần các chương trình học nghề và lập nghiệp. Với thanh niên ở đô thị và nông thôn, cần phải có những giải pháp khác nhau phù hợp với đặc thù của địa bàn.
Phải đóng vai trò là “chỗ dựa” của thanh niên
T.Ư Đoàn cần chỉ đạo các cơ sở Đoàn khu vực trường học định hướng cho học sinh, sinh viên về kinh nghiệm trong cuộc sống, những kiến thức, kỹ năng trước khi bạn trẻ bước vào môi trường mới.
Cụ thể là thường xuyên tổ chức những buổi trò chuyện theo hình thức chia sẻ kinh nghiệm cho bạn trẻ đang trong độ tuổi đi học. Đoàn cũng cần tạo ra những trào lưu mang màu sắc trẻ trung, sôi nổi và luôn “làm mới” mình để bạn trẻ cảm thấy không thể thiếu vai trò của Đoàn trong đời sống hằng ngày của họ. Đoàn đóng vai trò là “chỗ dựa” vững chắc cho thanh niên khi họ gặp phải những khó khăn trong đời sống, học tập, việc làm.
Phan Hậu - Đăng Nguyên/thanhnien