Kinh tế

Giá cả thị trường

Gỡ bỏ rào cản để thúc đẩy xuất khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngành Công thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tận dụng cơ hội về thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần gỡ bỏ rất nhiều rào cản trong quy trình sản xuất để hàng hóa nông sản đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế.

Cơ hội cho hàng nông sản xuất khẩu

Những năm qua, hoạt động xuất khẩu của tỉnh Gia Lai tăng trưởng khả quan. Cụ thể, năm 2016 đạt gần 343 triệu USD, năm 2017 đạt 450 triệu USD, năm 2018 đạt 470 triệu USD, năm 2019 đạt 500 triệu USD và năm 2020 ước đạt 580 triệu USD.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: cà phê, cao su, mì lát, hồ tiêu, sản phẩm gỗ… đã có mặt tại gần 40 quốc gia, trong đó, châu Âu chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu và châu Á khoảng 30%. Giá trị của nhóm hàng nông sản chiếm tỷ trọng khoảng 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Một số mặt hàng đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản; điển hình là cà phê đạt trên 300 triệu USD/năm”.

Chế biến chanh dây tại Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Chế biến chanh dây tại Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy


Trong 9 tháng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động xuất khẩu cũng bị chững lại. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đang tăng dần nhờ lượng cung trên thị trường thế giới giảm, một số quốc gia sản xuất bị đình trệ, trong khi đó, thị trường Việt Nam tương đối ổn định. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8-2020 đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản của tỉnh.

Bà Trần Thị Lan Anh-Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho hay: “Ngày 16-9 vừa qua, Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp đầu tiên được chọn để xuất khẩu 14 container với số lượng gần 300 tấn cà phê đầu tiên của Việt Nam sang thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Đây là sự khẳng định chất lượng sản phẩm đủ điều kiện hội nhập thị trường khó tính EU với thuế suất bằng 0. Các rào cản thuế quan được xóa bỏ là lợi thế cho nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu và nhà sản xuất. Tuy nhiên, đây vừa là cơ hội và cũng là thách thức lớn. Do đó, nông dân cần thay đổi cách thức canh tác, liên kết sản xuất để đạt các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nước ngoài mới đủ sức hội nhập”.

Theo ông Nguyễn Văn Thành-Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang, trước đây, những tập đoàn rang xay cà phê lớn trên thế giới chỉ mua sản phẩm cà phê của Việt Nam thông qua các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, khoảng 2 năm gần đây, họ dần tiếp cận các nhà xuất khẩu Việt Nam. Đây là cơ hội để doanh nghiệp của tỉnh tiếp cận các thị trường lớn. 
“Những đối tác này tìm kiếm và xác minh lịch sử của doanh nghiệp rất kỹ, tôi nghĩ lịch sử của doanh nghiệp như về uy tín, văn hóa doanh nghiệp... sẽ quyết định sự hợp tác lâu dài với đối tác”-ông Thành nói.


Theo đánh giá của ông Phạm Văn Binh, sự kiện 2 lô hàng đầu tiên của Việt Nam là cà phê và chanh dây do 2 doanh nghiệp của Gia Lai xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA đã mở ra một bước tiến mới cho hoạt động xuất khẩu của tỉnh. Trong 2 năm qua, tỉnh ta đã có nhiều sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được sản xuất đạt chất lượng và có khả năng tạo nguồn hàng cho xuất khẩu như: mật ong và viên tinh nghệ Phương Di, sữa ong chúa Anh Khoa, tinh bột nghệ Ánh Dương, cà phê bột Lamant…

Truy xuất nguồn gốc gắn với chỉ dẫn địa lý

Toàn tỉnh hiện có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng đầu tư đổi mới công nghệ còn yếu. Bên cạnh đó, nhận thức của doanh nghiệp về hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến tác động của hội nhập quốc tế thông qua các FTA, dẫn đến chưa đầu tư đúng mức trong việc đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật, chưa chú trọng tiếp cận các thông tin về hội nhập để xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài. Do đó, những tồn tại trên sẽ là rào cản lớn để các doanh nghiệp của tỉnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Xuất khẩu cà phê ở Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy
Xuất khẩu cà phê ở Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy


Bà Trần Thị Lan Anh cho hay, thời gian qua, Nhà nước đã đồng hành cùng doanh nghiệp và có nhiều chính sách mở, rút ngắn lộ trình của logistics trong hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, để gia tăng giá trị xuất khẩu, các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng hàng hóa, đạt các tiêu chuẩn quốc tế về quy trình sản xuất hữu cơ, bền vững gắn với an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

“Hội nhập là vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý nên phải sớm hoàn tất xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cà phê Gia Lai, cần tổ chức nhiều hội thảo về canh tác nông nghiệp bền vững, phải làm sao để nông dân sớm từ bỏ tư duy lạc hậu trong sản xuất, chuyển sang sản xuất hữu cơ”-Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho biết: “Tỉnh đang xúc tiến thành lập Hiệp hội Cà phê Gia Lai để đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, có nghĩa là sự liên kết từ người nông dân đến doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng chất lượng cho xuất khẩu”.

Theo ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), hiện nay, việc tổ chức liên kết sản xuất giữa người dân với hợp tác xã, tổ sản xuất cần thiết phải thiết lập kênh kiểm soát chéo lẫn nhau để kiểm soát chất lượng hàng nông sản. Hợp tác xã đóng vai trò liên kết hộ sản xuất nhỏ lẻ lại với nhau để tạo ra nguồn hàng lớn với đầy đủ các tiêu chí về chất lượng cho xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu sẽ quy định mã số vùng trồng đối với từng loại nông sản xuất khẩu dựa trên diện tích quy hoạch cũng như đảm bảo theo quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, quản lý dịch hại... Do đó, yêu cầu trước mắt là phải tổ chức cho nông dân sản xuất theo quy định mã số vùng trồng để làm căn cứ gắn tem truy xuất nguồn gốc.

VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm