Tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo
Để đảm bảo tỷ lệ theo Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ mới, huyện Đak Đoa đề ra giải pháp trọng tâm là ưu tiên công tác tìm kiếm, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ. Ông Lương Nam Xuất Thế-Trưởng phòng Nội vụ huyện-chia sẻ: Để đảm bảo tỷ lệ, cân đối số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, đối với cấp huyện thì ưu tiên tiếp nhận cán bộ, công chức từ cấp xã về làm việc. Còn đối với cấp xã thì sẽ lựa chọn, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân có đủ điều kiện, trình độ học vấn vào đảm nhận các chức danh bán chuyên trách. Sau đó, dựa vào năng lực hoạt động thực tiễn và nhu cầu vị trí việc làm mà sắp xếp, tiếp tục tạo điều kiện để họ được học tập, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ công tác. Bởi đối với các vị trí này thuận lợi là chưa quy định bằng cấp ngành nghề cụ thể, chỉ cần đáp ứng đủ tiêu chuẩn về trình độ văn hóa.
Tại huyện Đak Đoa, thời gian qua có 2 công chức người DTTS từ xã được tiếp nhận về làm việc tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Huyện Đoàn. Cả 2 công chức này đều có năng lực tốt, đảm bảo yêu cầu vị trí việc làm được giao.
Nhằm tạo nguồn cán bộ, công chức người DTTS chất lượng, Trưởng phòng Nội vụ huyện Đak Đoa cho rằng, cần sâu sát hơn trong việc nắm bắt thông tin, tình hình học tập, xu hướng nghề nghiệp của con em người dân ngay từ buôn làng. “Các địa phương cũng cần tăng cường phối hợp với các trường đại học trong việc theo dõi, cập nhật, quản lý sinh viên người DTTS tốt nghiệp hàng năm để có kế hoạch đăng ký tuyển dụng, bố trí, sắp xếp công việc phù hợp với ngành, nghề đã học”-ông Thế nêu ý kiến.
Huyện Ia Grai luôn coi trọng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Ảnh: Đinh Yến |
Ia O là xã biên giới của huyện Ia Grai với 68% dân số là người DTTS. Ông Ksor Tuy-Bí thư Đảng ủy xã Ia O-thông tin: Từ năm 2021 đến nay, xã đã lập danh sách đề nghị cử 15 cán bộ tham gia học trung cấp lý luận chính trị cũng như các lớp đào tạo trình độ đại học để đạt chuẩn theo quy định. Hiện 100% cán bộ xã tốt nghiệp THPT và có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, 75% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.
Còn ông Nguyễn Hồng Việt-Chủ tịch UBND xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) thì cho hay: Xã hiện có 7/13 cán bộ, công chức người DTTS đạt trình độ đại học, còn lại là trung cấp. Xã cũng đặt mục tiêu trong 3 năm tới sẽ phổ cập trình độ đại học trong đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức người DTTS nói riêng. Để làm được mục tiêu này, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến, triển khai chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ đến cán bộ, công chức, xã cũng khuyến khích, tạo điều kiện để họ tự đăng ký tham gia các lớp đào tạo phù hợp với chuyên môn, vị trí công tác nhằm dần chuẩn hóa trình độ, phù hợp với yêu cầu trong thời đại mới, góp phần phục vụ người dân tốt hơn.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ Bùi Thị Thương thì thông tin: Từ năm 2021 đến nay, UBND huyện tạo điều kiện cho 39 lượt cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị.
Đặc biệt, huyện chú trọng phát hiện nguồn cán bộ trẻ có phẩm chất đạo đức tốt, có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn. Đây cũng là một giải pháp hữu hiệu giúp nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS trên địa bàn huyện trong thời gian đến. Cùng với đó, các cấp, các ngành cần ban hành những chính sách đặc thù cụ thể hơn trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức người DTTS cũng như chính sách hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng.
Đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS phải liên tục được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng công việc. Ảnh: Đức Thụy |
Liên quan vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Hồ Văn Thảo cũng đề nghị UBND tỉnh có kế hoạch và lộ trình đào tạo hàng năm phù hợp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, nhất là cán bộ, công chức cấp xã.
Nhằm phát huy sức mạnh của cộng đồng các DTTS trên địa bàn trong xây dựng hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền, bà Dương Thị Thanh Xuân-Phó Bí thư Đảng ủy xã Lơ Ku (huyện Kbang) xác định: “Thời gian tới, xã sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS theo hướng đạt chuẩn và phù hợp với điều kiện của địa phương. Làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ tại chỗ lâu dài, đảm bảo phương châm “mở” và “động”. Bên cạnh đó, các cấp, địa phương cần có chính sách, cơ chế đặc thù riêng để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên đối với các thôn, làng, xã đã thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn”.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách về cán bộ
Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Do đó, trước nhiều vướng mắc, nhất là trong cơ chế, làm việc với đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về việc thực hiện quy định của pháp luật về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn tỉnh, đại diện các địa phương kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể trong việc ưu tiên tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đối với người DTTS; đồng thời, phân cấp cho địa phương có quy định về ưu tiên công tác tuyển dụng người DTTS có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm.
Hàng năm, khi giao biên chế, cấp ủy, chính quyền cần quy định tỷ lệ biên chế nhất định đối với người dự tuyển là người DTTS hoặc cần có một cơ chế riêng, đặc thù để tuyển dụng người DTTS…
Đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS là cầu nối đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với người dân. Ảnh: Đức Thụy |
Bà Đinh Thị Giang-Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh: Các ngành, địa phương cần rà soát nhu cầu vị trí việc làm là người DTTS để có lộ trình tìm kiếm dự nguồn, đào tạo lâu dài. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các sinh viên học thêm văn bằng 2 phù hợp với các ngành mà đơn vị, địa phương tuyển dụng đang cần, từ đó tăng thêm cơ hội làm việc tại cơ quan nhà nước.
Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về nội dung trên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cho rằng: Trên thực tế, nhiều chính sách, cơ chế dành cho đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS đã được các bộ, ngành xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện. Vì thế, công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh hơn nữa nhằm đem các chính sách, cơ chế đãi ngộ ấy đến với người DTTS thật hiệu quả, tạo động lực cho người DTTS tích cực tham gia thi tuyển công chức, viên chức.
Riêng đối với khó khăn trong công tác cử tuyển, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Ban Dân tộc tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chính sách về cử tuyển một cách sâu rộng, hiệu quả đến cộng đồng các DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Từ đó, học sinh, sinh viên nắm rõ các tiêu chuẩn, điều kiện để tham gia ứng tuyển. Ngoài ra, tỉnh cũng cần có chính sách thu hút, tuyển dụng sinh viên DTTS không theo hệ cử tuyển đối với các ngành nghề đang thiếu nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức.
Để thực hiện tốt công tác phát triển cán bộ, công chức người DTTS trong thời gian tới, bà Đinh Thị Giang-Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh-cho rằng: Các địa phương cần bám sát Kế hoạch 280/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ mới; rà soát các quy định để thực hiện đúng chính sách, có giải pháp tuyển dụng người DTTS; làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức trong vùng DTTS.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng đào tạo cũng như công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh người DTTS ngay từ trên ghế nhà trường có vai trò quan trọng, tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức chất lượng trong tương lai cho tỉnh.