Sức khỏe

Gỡ khó về tài chính cho bệnh viện công - Kỳ 1: Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Việc tự chủ về tài chính sẽ giúp đơn vị y tế phát triển, đảm bảo đời sống, tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, nhân viên. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số đơn vị y tế công lập hiện gặp không ít khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính.

Thu không đủ chi

Mới đây, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và chế độ chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động trong cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2022.

Nhiều bệnh viện công đang gặp khó khăn trong tự chủ tài chính. Ảnh: Đức Thụy

Nhiều bệnh viện công đang gặp khó khăn trong tự chủ tài chính. Ảnh: Đức Thụy

Theo các bệnh viện, vướng mắc lớn nhất hiện nay là mức thu viện phí chưa tính đúng, tính đủ các chi phí. Viện phí ở cơ sở y tế công hiện mới chỉ 4/7 yếu tố, chưa có 3 phần gồm: khấu hao tài sản cố định, duy tu sửa chữa tài sản; chi phí quản lý; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, các cơ sở y tế tư nhân căn cứ theo khoản 5 Điều 88 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 nên được quyền quyết định và niêm yết công khai giá dịch vụ khám-chữa bệnh. Bên cạnh đó, việc đầu tư mua sắm trang-thiết bị, thuốc, vật tư y tế gặp nhiều khó khăn; cơ sở vật chất xuống cấp; vấn đề quản trị bệnh viện yếu, thiếu kinh nghiệm đang là khó khăn mà cơ sở y tế công lập gặp phải khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính.

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hầu hết các đơn vị y tế công lập đảm bảo thu-chi trong thực hiện tự chủ tài chính. Nhiều đơn vị có nguồn thu ổn định nên đảm bảo thu nhập cũng như chế độ đãi ngộ hợp lý cho cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 kéo dài, các bệnh viện công trở thành cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 dẫn đến nhiều người mắc bệnh thông thường ngại đến khám-chữa bệnh và chuyển sang điều trị tại các bệnh viện tư. Số lượng bệnh nhân đến các cơ sở y tế công lập giảm thấp dẫn đến mất cân đối thu chi và khó đảm bảo thu nhập của nhân viên. Từ đó, khó giữ chân các thầy thuốc giỏi, tình trạng nhân viên y tế công lập nghỉ việc sau đại dịch Covid-19 gia tăng.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh-cho biết: Giai đoạn 2018-2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2, đảm bảo chi thường xuyên 100%) theo Quyết định số 212/QĐ-UBND ngày 17-5-2018 của UBND tỉnh. Do đó, ngân sách không bố trí kinh phí chi thường xuyên (trừ sửa chữa, mua sắm trang-thiết bị và đầu tư khác). Trong giai đoạn này, Bệnh viện tự đảm bảo chi thường xuyên theo phương án được UBND tỉnh, Sở Y tế phê duyệt theo phân cấp.

Giai đoạn 2020-2022, đại dịch Covid-19 bùng phát, đồng thời cấp thẩm quyền thực hiện chủ trương giãn cách xã hội, phong tỏa dẫn đến công suất sử dụng giường bệnh giảm sâu, nguồn thu giảm mạnh trong khi Bệnh viện vẫn phải thực hiện chi thường xuyên các khoản với số kinh phí tương đương như giai đoạn 2018-2019. Vì vậy, chênh lệch thu-chi của đơn vị giai đoạn này âm gần 67 tỷ đồng. Lương thấp, chế độ đãi ngộ không có nên từ đầu năm đến nay đã có gần 40 bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh bỏ việc, nghỉ việc.

Thực trạng này cũng xảy ra ở một số đơn vị y tế công lập khác. Bác sĩ Phan Văn Chơi-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kông Chro-cho hay: Giai đoạn 2020-2022, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên tình hình thu dung bệnh nhân ít, dẫn đến không đủ kinh phí để chi trả lương và phụ cấp theo lương cho người lao động. Bên cạnh đó, chế độ tiền lương và phụ cấp theo lương còn thấp, đời sống của viên chức gặp nhiều khó khăn, tư tưởng dao động, không an tâm công tác. “Trong 3 năm đã có 7 trường hợp thôi việc, bỏ việc để làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân có nguồn thu nhập cao hơn”-bác sĩ Chơi cho hay.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh có mức độ tự chủ tài chính thuộc nhóm 3 (đơn vị sự nghiệp đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên). Bác sĩ Lý Tiến Thành-Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh-chia sẻ: Đơn vị là bệnh viện chuyên khoa về y học cổ truyền, xếp hạng III, tuyến tỉnh nên không thuận lợi trong việc thông tuyến huyện như các bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa tuyến huyện. Từ đó, số lượt khám bệnh ban đầu hạn chế hơn nhiều so với các bệnh viện đồng hạng III nhưng khác tuyến. Ít bệnh nhân nên nguồn thu không đủ phí chi thường xuyên, không thể trích lập các quỹ dẫn đến công tác đào tạo, phát triển chuyên môn mới… không thể thực hiện, càng gây khó khăn hơn cho kế hoạch phát triển bệnh viện.

Nguồn thu khám-chữa bệnh tại Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh không đủ chi thường xuyên khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn. Ảnh: N.N

Nguồn thu khám-chữa bệnh tại Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh không đủ chi thường xuyên khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn. Ảnh: N.N

Ngành Y tế tỉnh triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính từ năm 2019. Trong giai đoạn 2019-2021 có 4 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động chi thường xuyên; 21 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 2 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động chi thường xuyên. Triển khai giao quyền tự chủ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 56/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ năm 2022, toàn tỉnh có 27 đơn vị được giao quyền tự chủ tài chính, trong đó có 5 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2); 20 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (nhóm 3) và 2 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 4).

Còn bác sĩ Mai Minh Hiền-Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh thì thông tin: Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh là bệnh viện hạng III, quy mô 70 giường bệnh, mức độ tự chủ tài chính thuộc nhóm 3 (đơn vị sự nghiệp đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, mức độ tự đảm bảo hoạt động chi thường xuyên 36%).

Trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, Bệnh viện gặp nhiều khó khăn do khả năng thu thấp vì bệnh nhân chủ yếu đa tuyến đến. Đặc biệt, Bệnh viện được giao tự chủ song chưa tự chủ thực chất do còn nhiều ràng buộc liên quan đến bộ máy, con người, bố trí nhân sự, biên chế. Việc giao dự toán chi khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế còn chưa phù hợp, giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ trong khi các bệnh viện phải tự chủ kinh phí chi thường xuyên nên ảnh hưởng đến việc cân đối thu chi của Bệnh viện…

Theo ông Lý Minh Thái-Phó Giám đốc Sở Y tế, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đã tạo quyền chủ động cho các đơn vị trong việc quản lý chi tiêu tài chính; từng bước giảm bớt sự can thiệp của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi thì vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn như cơ sở vật chất một số đơn vị xuống cấp, trang-thiết bị kỹ thuật cao còn thiếu và bác sĩ chuyên khoa sâu còn thiếu. Một số trung tâm y tế huyện thiếu các thiết bị y tế kỹ thuật cao như: siêu âm màu, X-quang kỹ thuật số, máy xét nghiệm sinh hóa tự động… nên không thu hút được bệnh nhân, nguồn thu của đơn vị giảm.

Các bệnh viện được giao tự chủ song còn nhiều ràng buộc. Giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ chi phí trong khi các bệnh viện phải tự chủ kinh phí chi thường xuyên nên ảnh hưởng đến việc cân đối thu-chi, đặc biệt là các bệnh viện có nguồn thu thấp. Thanh toán bảo hiểm y tế còn chậm, đặc biệt là phần vượt trần, vượt quỹ khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong giai đoạn 2020-2021, số lượng người đến khám-chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập giảm đáng kể, dẫn đến các đơn vị thiếu hụt nguồn thu. Kinh phí thiếu hụt của hệ bệnh viện trong năm 2022 là 72,564 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm