Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Gỡ thể chế, "đẩy" tiến độ dự án hạ tầng giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Liên quan đến “rừng” thủ tục kéo lui tiến độ dự án, ĐB Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ sự lo ngại cho tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông...

 Dự án nhà ga T3 được coi là giải pháp then chốt để giảm tải cho các nhà ga T1, T2 và tăng năng lực cho Tân Sơn Nhất (Trong ảnh: Hành khách chen chúc tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất) - Ảnh: Phan Tư
Dự án nhà ga T3 được coi là giải pháp then chốt để giảm tải cho các nhà ga T1, T2 và tăng năng lực cho Tân Sơn Nhất (Trong ảnh: Hành khách chen chúc tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất) - Ảnh: Phan Tư



Tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc hay dự án “giải cứu” Tân Sơn Nhất được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Quá mất thời gian cho thủ tục, dễ dẫn đến trượt giá, đội vốn

Dẫn ví dụ về dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) - thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn nói: “Sân bay đã rất quá tải. Trong khi đó, chủ trương đã có, đất đã có nhưng 3 năm mà chưa chọn được nhà đầu tư, chưa ra được quyết định đầu tư thì quá chậm. Điều này có thể dẫn đến trượt giá, đội vốn”.

Liên quan đến “rừng” thủ tục kéo lui tiến độ dự án, ĐB Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ sự lo ngại cho tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được Bộ GTVT triển khai. “Nếu thủ tục quá chậm, là rào cản cho tiến độ dự án, có khả năng phải điều chỉnh vốn ngân sách Quốc hội đã duyệt”, ông Ngân nói và cho rằng, cùng với thể chế, giao thông là một trong hai vấn đề Chính phủ cần ưu tiên hàng đầu, cần dành thời gian nhiều nhất. Có như vậy mới thúc đẩy được nền kinh tế phát triển.

Cho rằng về lâu dài, rất cần dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, bởi đây là hình thức giao thông mang lại giá trị kinh tế rất lớn, đã rất phát triển ở nhiều nước, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Phó trưởng ban Dân nguyện chia sẻ: “Nếu không có dự án ngay, sau này quỹ đất đền bù vô cùng khó khăn. Kế đó sẽ ảnh hưởng đến giao thông Bắc - Nam, ảnh hưởng đến không chỉ phát triển kinh tế thông thường mà còn ảnh hưởng kết nối các vùng trọng điểm cũng như du lịch”.


 

 



Đề nghị sửa Luật Đầu tư công, thay đổi cách bố trí vốn

Dự kiến tại phiên họp ngày 28/5, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công với kỳ vọng giải quyết được tình trạng giải ngân chậm.

Liên quan đến “điểm vênh” của pháp luật, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho biết, quy định có dự án mới được giao đất (theo Luật Đất đai) và có đất mới được giao dự án (theo Luật Đầu tư) cũng giống như trường hợp “có hộ khẩu thì mới cho mua nhà, có nhà thì mới được làm hộ khẩu” đang khiến nhiều dự án không thể triển khai. Thực tế, rất có thể đây sẽ là vướng mắc mà nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có thể mắc phải trong thời gian tới.

“Tôi cho rằng, trong trường hợp này, người ta có dự án, không cần có đất mà có địa điểm làm dự án có tính khả thi thì phải cho người ta làm”, ĐB Nhưỡng nói.

Cho biết mình là thành viên ban soạn thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), theo ĐB Nguyễn Hữu Đức, nếu những vướng mắc liên quan đến việc chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư như bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh doanh thu chưa được Chính phủ thông qua thì khó có nhà đầu tư nào muốn vào. “8 dự án đầu tư theo hình thức PPP thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã quyết định chủ trương, sắp hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán. Tuy nhiên, trong khi nhà đầu tư trong nước không phải ai cũng đủ mạnh thì nhà đầu tư nước ngoài lại cũng “ngại” vì không có cơ chế bảo lãnh. Đây chính là sự co kéo giữa thể chế và nguồn lực. Mình không có nguồn lực về ngoại tệ để bảo lãnh thì dự án dễ bị “tắc”, ĐB Đức nói.

 

Thống kê báo cáo từ 34/126 đơn vị, địa phương, tính tới 20/5, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 20,21%. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (70,6%), Ninh Bình (47,25%), Sơn La (42,6%), Bộ GTVT (38,72%), Nam Định (34,25%) là 5 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao nhất. Ngược lại, những đơn vị giải ngân thấp nhất gồm: Liên minh HTX Việt Nam (0%); Đài Truyền hình Việt Nam (0,1%); Bộ Tư pháp (5,19%), Viện KSND Tối cao (10,23%); Đồng Tháp (10,7%)...

Với tư cách cơ quan thẩm tra Luật Đầu tư công, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định, những yếu tố khiến giải ngân chậm đầu tư công trong 2 năm qua không nằm trong nội hàm luật mà do tư duy cán bộ giao triển khai. Bản thân mỗi bộ ngành, địa phương trên nguồn vốn trung hạn được phân, phải tự quyết dự án nào làm trước, dự án nào làm sau. Tuy nhiên, thực tế chúng ta vẫn chưa kịp chuyển đổi tư duy làm theo luật, theo kế hoạch cân đối với nguồn lực quốc gia.

Lấy ví dụ tại Bộ KH-ĐT và điều hành của Chính phủ trong năm 2018, ông Kiên cho rằng, việc phân vốn tới 4 lần cũng đã kìm lại tốc độ giải ngân đầu tư công. Nếu thực hiện tốt quy định của Luật, giao vốn đúng hạn và thực hiện hậu kiểm thì vấn đề giải ngân đã tốt hơn rất nhiều.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách thì cho rằng, một trong những yêu cầu cấp thiết cần sửa đổi Luật Đầu tư công là thay đổi quy định phương thức lựa chọn dự án đầu tư được đưa vào phân bổ vốn trong số các dự án thuộc danh mục dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo quy định của Luật Đầu tư công hiện hành, để được phân bổ vốn đầu tư hàng năm, dự án phải được phê duyệt đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn, có nghĩa là dự án này phải được xây dựng và thẩm định sơ bộ từ 5 năm trước kỳ kế hoạch. Nhưng sau 5 năm, các thông số ban đầu đã thay đổi, nội dung tính toán, đề xuất dự án trở nên lạc hậu, khi được phân bổ vốn mới bắt tay vào chuẩn bị lại dự án. Kết quả, vốn được phân bổ nhưng không thể giải ngân ngay.

“Để khắc phục tình trạng này, việc sửa đổi Luật Đầu tư công nên bổ sung thêm kế hoạch đầu tư công 3 năm theo phương thức cuốn chiếu (năm kế hoạch cộng với 2 năm dự kiến tiếp theo). Những dự án được đưa vào kế hoạch đầu tư công 3 năm nghĩa là gần như chắc chắn sau 2 năm nữa sẽ được phân bổ vốn. Như vậy, dự án đó sẽ có hai năm để rà soát, hoàn thiện lại và chuẩn bị đầy đủ các thủ tục pháp lý. Đến năm kế hoạch được phân bổ vốn, dự án đã có đầy đủ thủ tục và bắt tay vào giải ngân được ngay”, ông Cường nêu giải pháp.

Phát biểu mới đây trong phiên thảo luận tại tổ về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng cần xem xét lại cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng giao thông.

Bộ trưởng nói: Theo Luật Đầu tư công, khi Quốc hội bố trí được nguồn vốn thì mới triển khai các công việc tiếp theo. Làm như thế sẽ đảm bảo được có nguồn vốn để thực hiện đầy đủ nhưng dẫn đến bức xúc xã hội, cụ thể là ghi vốn rồi nhưng giải ngân rất khó.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị, giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ biểu quyết một gói tín dụng cho công tác đầu tư cho nhiệm kỳ sau để các chủ đầu tư, nhà đầu tư có dự án lớn làm trong 2,5 năm, tới đầu nhiệm kỳ tới thì vừa xong thủ tục. Để khi Quốc hội bố trí vốn, triển khai đấu thầu xây lắp ngay. Còn bố trí ngay từ đầu nhiệm kỳ thì rõ ràng trong suốt thời gian dài hoàn tất thủ tục, các chủ đầu tư không thể giải ngân được. “Tôi cho rằng việc thay đổi cách bố trí vốn và trình tự thủ tục của Luật Đầu tư công cần phải được xem xét lại”, Bộ trưởng Thể nói.



 


Ông Trần Quốc Phương, người phát ngôn Bộ KH-ĐT:
Tập trung sửa quy định về trình tự, thủ tục xét duyệt dự án đầu tư công


“Thực tế, khi triển khai dự án đầu tư công, cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các quy định về phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn không phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí, nên phải điều chỉnh kế hoạch giao vốn nhiều lần và kéo dài thời gian giao vốn.

Chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, vẫn còn tình trạng một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án mang tính hình thức để có điều kiện ghi vốn; phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, dẫn đến sau khi bố trí kế hoạch lại yêu cầu điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thậm chí phải thẩm định lại nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai, Luật Đầu tư công cũng đã bộc lộ hạn chế cần thiết phải sửa đổi. Cụ thể, một số quy định hiện hành còn phức tạp, phát sinh thủ tục hành chính, chưa tạo thuận lợi cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công như việc điều chỉnh giữa các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, chưa thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan, chưa thống nhất với các quy định khác tại Luật và chưa phù hợp với thực tế.

Do đó, việc xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công sẽ tháo gỡ nhóm vấn đề vướng mắc chủ yếu gồm: Đối tượng, trình tự, thủ tục dự án. Trong đó, dự thảo Luật Sửa đổi chú trọng đẩy mạnh phân cấp trong quản lý hoạt động đầu tư công, từ phân cấp điều chỉnh dự án đến phân cấp phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư gắn với trách nhiệm của từng cấp.



Thanh Bình - Hoàng Ngân (baogiaothong)

Có thể bạn quan tâm