Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Gỡ vướng thu phí tự động qua trạm BOT

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời hạn hoàn thành việc thu phí tự động không dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã cận kề nhưng nhiều nhà đầu tư BOT chỉ mới triển khai lắp đặt thiết bị

 

Theo Quyết định 07/2017/QĐ-TTg ngày 27-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC), hạn chót tiến hành hình thức này trên toàn quốc là ngày 31-12-2019.

Chỉ còn 1 ngày nữa là hết thời hạn nhưng theo khảo sát của Báo Người Lao Động, nhiều trạm thu phí được bổ sung vào giai đoạn 1 dự án chưa áp dụng ETC. Một số trạm chỉ vừa mới lắp đặt xong thiết bị. Có trạm đang triển khai, công việc vẫn còn ngổn ngang và ôtô vẫn phải xếp hàng dài chờ trả tiền mặt.

Có ETC, vẫn phải trả tiền mặt

Tại trạm thu phí khu vực vòng trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, hệ thống ETC mới được đơn vị này lắp xong. Tuy nhiên, việc tổ chức giao thông tại trạm như cắm biển hướng dẫn phân làn từ xa, sơn kẻ hướng dẫn phân biệt làn dành riêng cho ETC chưa có. Khoảng 7.000 xe qua trạm mỗi ngày vẫn phải xếp hàng mua vé.

Ông Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát khai thác vận hành đường cao tốc Việt Nam, cho biết đơn vị đã hoàn thành lắp đặt 15 làn thu phí không dừng tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, phấn đấu đến ngày 31-12-2019 sẽ đưa vào vận hành. Dự kiến sau khi chạy thử hệ thống, nếu đáp ứng các chỉ số chính xác sẽ vận hành hệ thống toàn tuyến từ ngày 1-1-2020. "Các dự án còn lại, VEC đã báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước bố trí nguồn vốn để thực hiện trong năm 2020" - ông Long thông tin.

Lý giải việc chậm trễ này, ông Long cho rằng do vướng mắc cơ chế nên VEC gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Khác với các trạm thuộc giai đoạn 1, khi triển khai ETC, VEC tự lắp đặt thiết bị, sau đó kết nối dữ liệu với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (chủ đầu tư triển khai dự án thu phí không dừng giai đoạn 1). "VEC vừa phải thi công, lắp đặt vừa vận hành khai thác. Hơn nữa, trên tuyến có tới 40 làn mà mới chỉ lắp được 15 làn, đến năm 2020 sẽ triển khai các làn còn lại" - ông Long giải thích.

Theo lộ trình, các trạm thu phí đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 5, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, BOT Phả Lại, BOT Đại Yên… cũng phải thực hiện thu phí không dừng từ ngày 1-1-2020. Tuy nhiên, hiện các trạm này vẫn thu phí bằng tiền mặt và đang triển khai ETC.

Ông Vũ Hữu Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), cho biết việc VIDIFI chậm triển khai ETC là do gặp vướng mắc về nguồn vốn. Thủ tục đầu tư thu phí không dừng theo cơ chế nguồn vốn ngân sách nên các thiết kế, đấu thầu, thi công đều phải tuân thủ. Đến nay, VIDIFI đã lắp đặt được 2 làn ETC các trạm trên Quốc lộ 5, chuẩn bị vận hành. Tuy nhiên, để vận hành chính thức, cần đàm phán ký hợp đồng dịch vụ kết nối với Công ty VETC. "Hai bên đang đàm phán để sớm vận hành chính thức đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ" - ông Thành nói.


 

Trạm thu phí số 1 trên Quốc lộ 5 vừa hoàn thành lắp đặt thiết bị ETC
Trạm thu phí số 1 trên Quốc lộ 5 vừa hoàn thành lắp đặt thiết bị ETC




Tỉ lệ người dùng còn thấp

Việc các nhà đầu tư BOT chậm triển khai chỉ là một trong những tồn tại của việc triển khai ETC. Bên cạnh đó là tỉ lệ các phương tiện dán thẻ thu phí tự động (Etag) còn rất thấp với khoảng 900.000 thẻ/3,5 triệu ôtô trong cả nước, số chủ phương tiện nạp tiền sử dụng dịch vụ chỉ khoảng 30%.

Theo ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty VETC, sau khi Tổng cục Đường bộ ra quân phân làn phương tiện, nhiều chủ phương tiện đã đi đúng làn, số lượng chủ phương tiện dán thẻ Etag nhiều hơn. "Ở Việt Nam, thu phí không dừng là lĩnh vực mới, vì vậy không thể áp đặt ngay mà phải có lộ trình. Khi người dân nhận thức được lợi ích của thu phí không dừng cùng với chế tài xử phạt, tỉ lệ người sử dụng sẽ tăng" - ông Vinh nhận định.

Về nguyên nhân tiến độ dự án thu phí không dừng triển khai chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết đây là lĩnh vực mới, người dân còn thói quen dùng tiền mặt nên số lượng dán thẻ Etag và sử dụng dịch vụ thấp khiến cho nhà đầu tư cung cấp dịch vụ bị lỗ.

"Các dự án của VEC không triển khai được vì không có nguồn vốn. Nguyên nhân là do VEC được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nên gặp khó về nguồn vốn. Đối với dự án giai đoạn 2, nhà đầu tư chưa thành lập được doanh nghiệp dự án nên chưa triển khai được các bước tiếp theo, phấn đấu năm 2020 sẽ hoàn thiện" - ông Huyện lý giải.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, trong 1 tháng qua, tiến độ dự án giai đoạn 1 đã có chuyển biến tốt, 26 trạm thuộc giai đoạn này đã có ETC. Đến thời điểm này, các nhà đầu tư BOT đã nhận thức tốt hơn trong thực hiện dự án. Việc ký phụ lục hợp đồng giữa các bên cơ bản đã đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, đây là dự án mới nên tồn tại mâu thuẫn về hiệu quả kinh tế giữa ngân hàng cung cấp tín dụng cho dự án và nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ. Tổng cục Đường bộ đang tham mưu sửa Quyết định 07 của Thủ tướng, trong đó có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước nhằm chỉ đạo các ngân hàng chấp thuận kéo dài thời gian thu phí dự án để có nguồn kinh phí triển khai.


 


Xử nghiêm xe không dán Etag đi vào làn ETC

Cục CSGT - Bộ Công an vừa có văn bản yêu cầu trưởng phòng CSGT các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Trị, Bình Định, Bình Thuận bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi: không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu; hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông; đi không đúng phần đường, làn đường quy định tại các trạm thu phí có triển khai hệ thống ETC.

Đề cập vấn đề xử phạt xe không dán thẻ Etag đi vào làn ETC, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết sau 1 tháng Tổng cục Đường bộ và Cục CSGT phân làn phương tiện vào làn thu phí ETC, số lượng phương tiện dán thẻ đã tăng rõ rệt. Tổng cục sẽ tuyên truyền trong khoảng 2 tháng, sau đó sẽ xử phạt.


Theo Văn Duẩn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm