Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Góc nhỏ mùa đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phố núi nơi tôi sống có 2 mùa. Nhưng trong những tháng mùa khô, khi tiết trời chuyển hanh hao và gió lạnh tràn về tê tái, tôi vẫn gọi đó là mùa đông.
Mùa đông Tây Nguyên không có những hàng cây trụi lá, cũng không buốt đến tận xương như mùa đông xứ Bắc. Nét đặc trưng của mùa đông nơi đây là gió, những cơn gió khô cuốn bụi đỏ mịt mù. Và cái nắng mới vàng và trong suốt làm sao! Trên các triền đồi và len lỏi cả vào thành phố, hoa dã quỳ rực vàng khoe sắc, cùng nắng, cùng gió. Những đồi cỏ lau, cỏ hồng rực rỡ tô điểm thêm cho vùng cao nguyên một vẻ đẹp đến nao lòng.
 Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương
Đông về, ấy là khi ai cũng nhắc mình phải khoác thêm chiếc áo ấm, choàng thêm chiếc khăn khi ra đường. Mùa đông, ấy là lúc thời trang ấm lên ngôi. Các cô nàng tha hồ mà rực rỡ sắc màu trong áo khăn đủ kiểu. Càng thú vị biết bao khi có thể diện những bộ cánh thu đông dạo bước trên những ngọn đồi đầy cỏ hoa xinh đẹp mà chụp những bức hình ghi lại ký ức thời gian.
Nhưng với những người khó nghèo, cuộc sống vẫn trôi qua như mọi ngày vẫn thế. Hàng quán vẫn mở. Những người buôn bán nhỏ tất tả trên những chiếc xe máy đi lấy hàng từ các chợ đầu mối để đem về bán lẻ. Trời không mưa, họ vẫn mặc áo mưa như để cản bớt cái gió cái lạnh đến tê người. Ở bến xe, những bác tài xe ôm vẫn miệt mài đón khách trở về sau những chuyến xe đêm. Trời lạnh, nhiều khách thích đi taxi hơn. Vậy nhưng họ vẫn kiên nhẫn ngồi chờ dù có thể khó lòng kiếm được một người khách. Cuộc mưu sinh khó nhọc biết bao!
Mùa đông, trên những cánh đồng mênh mông nước, trong cái lạnh của trời và của nước, những người nông dân vẫn một nắng hai sương cho kịp mùa vụ. Đôi bàn tay tái nhợt vì nước, đôi bàn chân nứt nẻ vì lạnh vì bùn mà gương mặt vẫn tươi cười với những câu chuyện đùa vui để xua tan mệt nhọc. Đó là niềm tự hào về những đứa con, là hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Như bao người cha, người mẹ trên khắp thế gian, đứa con luôn là trung tâm trong mọi suy nghĩ của họ. Mong sao những đứa con sẽ thấu hiểu nhọc nhằn của cha mẹ mà đem đến nhiều hơn những niềm vui.
Mùa đông, trên con đường dốc quanh co khúc khuỷu, các thầy-cô giáo vẫn chạy xe đi trong gió sương để kịp giờ đến lớp. Trong hành trang của họ, ngoài những trang giáo án còn có thêm bao quần áo cũ để mùa đông sẽ ấm áp hơn với học trò nghèo ở các buôn làng vùng khó. Với người dân nơi đây, cái chữ chưa quan trọng bằng cái no cái ấm. Vậy nên, người thầy đến với các em không chỉ bằng kiến thức mà còn bằng cả tấm lòng của người làm cha làm mẹ.
Có những mùa đông đã xa, tôi cũng đã từng là một học trò quê nghèo vượt những con dốc giữa gió quất sương giăng đi tìm một chân trời mơ ước. Trang sách nào mở ra một vầng hồng tươi sáng khi cái lạnh làm đôi tay tê cóng, đôi chân như ríu lại trên đường. Một thời mực tím, áo trắng, sân trường làm sao quên được. Nhớ bếp lửa hồng mẹ nhóm lên mỗi buổi sáng giá lạnh để con ấm áp ngồi ôn bài, để mẹ nấu vội nồi cơm, cháo, mì, khoai cho con lót lòng trước khi đến lớp. Nhớ những buổi chiều về, cả nhà quây quần bên bếp lửa, nghe ba mẹ kể chuyện quê hương, một vùng đất trong huyết quản mà tôi chưa từng được đặt chân đến.
Tôi đã đi qua nhiều mùa đông như thế. Có cái lạnh len vào từng thớ thịt, cái gió đến nứt má khô môi. Có những bàn tay bạn bè truyền cho nhau hơi ấm giữa ngôi trường trên đồi cao gió lùa hun hút. Có tiếng giảng bài say mê của thầy cô làm ấm bao con tim, nhen lên cả một vùng trời mơ ước.
Mùa đông đến rồi đi, đất trời tuần hoàn, chúng ta mỗi năm lại thêm một tuổi. Tự hỏi, mình sẽ có bao nhiêu mùa đông như thế?
Những ngày giá lạnh. Lại nhớ góc nhỏ mùa đông trong lòng cùng với bao xúc cảm.
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm