Kinh tế

Doanh nghiệp

Gói giãn thuế 180.000 tỉ đồng: Vì sao chỉ 10% doanh nghiệp đăng ký?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Kê khai thuế tại Cục thuế Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn
Gần 1 tháng thực hiện Nghị định 41 mới có hơn 79.000 doanh nghiệp (khoảng 10%) đăng ký giãn thuế, trong khi giải pháp này từng được kỳ vọng là thuốc trợ lực cho 98% doanh nghiệp. Phải chăng, doanh nghiệp không “mặn mà” với gói hỗ trợ này?
Doanh nghiệp đăng ký nhỏ giọt
Theo Nghị định 41 được ban hành, có tới 98% doanh nghiệp đang hoạt động sẽ được gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất thêm 5 tháng. Đây được xem là liều thuốc “tăng lực” giúp doanh nghiệp bớt khó khăn trong mùa dịch.
Tuy nhiên, sau gần 1 tháng thực hiện, ngành thuế mới tiếp nhận một phần nhỏ hồ sơ của doanh nghiệp xin gia hạn thuế. Thống kê của Tổng cục Thuế cho biết, đến chiều 6.5 có hơn 79.000 hồ sơ đề nghị gia hạn thuế, tiền thuê đất từ doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh.
Tổng số tiền thuế và tiền thuê đất đề nghị được gia hạn là hơn 24.564 tỉ đồng, trong đó gia hạn đối với tổ chức, doanh nghiệp là 24.493 tỉ đồng, gia hạn đối với cá nhân là 71 tỉ đồng. Như vậy, sau gần 1 tháng thực hiện nghị định 41, cả nước mới có khoảng 10% doanh nghiệp gửi giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất.
Hiện còn hàng trăm nghìn doanh nghiệp và cá nhân, hộ kinh doanh chưa đề xuất gia hạn thuế, tiền thuê đất. Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Đức Huy - Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền hỗ trợ thuộc Tổng cục Thuế cho biết, do thời gian đang còn nhiều (đến hết 30.7 PV) nên phần lớn doanh nghiệp họ chưa làm thủ tục. Đây là quyền lợi của họ nên chắc chắn sẽ doanh nghiệp sẽ không thể bỏ qua.
“Mới đây, Tổng cục Thuế đã nâng hệ thống công nghệ thông tin để tích hợp lên cổng thông tin quốc gia nên tạo sự dễ dàng cho đơn vị, người nộp thuế. Họ không cần phải vào cổng thông tin của cơ quan thuế hay phải đến đơn vị thuế để nộp hồ sơ mà lên cổng thông tin quốc gia là được”, ông Huy nói thêm.
Trong khi đó, đại diện của chuỗi cửa hàng Kafa Café cho rằng cơ bản hồ sơ, quy trình, thủ tục không có vấn đề gì. Việc nộp hồ sơ để được hưởng ưu đãi rất nhanh gọn và tốt. Tuy nhiên, có một vấn đề trước đây đơn vị nộp hồ sơ thấy vướng đó là theo như hướng dẫn phải điền doanh thu, xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có tiêu chí doanh thu 50 tỉ trở xuống. 
Một số doanh nghiệp đang tự bơi
Trong khi khó khăn, nhiều doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ nhưng cũng có những doanh nghiệp cho rằng họ muốn nhường lại ưu đãi đó cho đơn vị khó khăn hơn.
Nói với Lao Động, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Cty TNHH Thiên Thảo Nguyên (DN chuyên về vận tải hành khách, lữ hành) cho rằng, công ty hiện có gần 300 đầu xe với tất cả chủng loại từ 4 đến 45 chỗ. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến Thiên Thảo Nguyên phải “vật vã” 4 tháng qua.
Theo ông Tùng, mặc dù vậy nhưng Cty vẫn chủ động được tài chính nên doanh nghiệp tự lực cánh sinh, “tự bơi”. “Còn nhiều đối tượng khó khăn hơn cần được tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ nên chúng tôi nhường lại cho họ”, ông Tùng nói thêm.
Còn về việc gia hạn, miễn giảm thuế thực sự DN không trông chờ gì. Nguyên nhân được ông Tùng chỉ ra là không chỉ riêng công ty ông mà hàng loạt DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải, lữ hành, du lịch nộp hồ sơ điện tử nhưng đều bị trả lại do không đáp ứng một trong các yêu cầu của Tổng cục Thuế.
CAO NGUYÊN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm