Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Gửi theo những nỗi niềm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là người trong cuộc, những ngày này, tôi nhiều lần lặng đi khi chứng kiến cảnh người dân Pleiku tất bật gửi đồ ăn cho người thân ở TP. Hồ Chí Minh. Cảm động nhất trong số đó vẫn là hình ảnh những người mẹ.
Ban đầu, khi hay tin phương tiện vận chuyển hành khách vào TP. Hồ Chí Minh bị tạm dừng hoạt động, không khí âu lo nhanh chóng bao trùm. Rất may, sau đó, nhiều nhà xe đã có cách để duy trì công việc của mình một cách hợp pháp và an toàn-chuyển hàng bằng xe tải.
Không nhiều người dân Gia Lai đang học tập, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh kịp trở về quê hương sau các đợt “hạn chế di chuyển” rồi hơn thế là yêu cầu công dân ngoại tỉnh “ngừng di chuyển” ra khỏi đô thị này. Không thể nào khác, dù có bị mất việc, bị ám ảnh bởi số lượng, thông tin về những bệnh nhân Covid-19 được đăng tải trên báo chí và mạng xã hội từng giờ, hàng vạn người đang tạm trú tại đây vẫn phải tiếp tục cuộc sống của mình. Và để sống, ngoài nhu cầu ở, họ cần phải được ăn uống.
Trên thực tế, rất nhiều hoạt động từ thiện từ khắp mọi miền đất nước đã và đang hướng về TP. Hồ Chí Minh. Cùng với đó là sự quan tâm của chính quyền và tấm lòng đùm bọc hào hiệp của những người dân thành phố này đối với tất cả công dân ngoại tỉnh đang bị kẹt lại. Các nỗ lực ấy, ngoài việc bù đắp phần nào thiếu hụt về vật chất còn là nguồn động viên tinh thần đối với những người không may mắn trong đại dịch. Tuy vậy, mức tiêu thụ lương thực, thực phẩm của hàng vạn con người mỗi ngày là không nhỏ trong bối cảnh “hạn chế ra đường”. Do đó, sự cung cấp bổ sung từ quê hương là cần thiết.
Người dân Gia Lai đóng gói củ quả để vận chuyển vào hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống dịch. Ảnh: Đức Thụy
Người dân Gia Lai đóng gói củ quả để vận chuyển vào hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống dịch. Ảnh: Đức Thụy
Một người mẹ mua khá nhiều thực phẩm và rau quả để gửi cho con trai đang sống trong một căn phòng trọ tại TP. Hồ Chí Minh. Chị tỉ mẩn rửa từng cọng rau, săm soi từng bó bún khô. Miếng thịt bò lớn được chị lọc ra, phần ngon để gửi cho con, những bạc nhạc thì dành lại cho mình. Mấy con gà đã làm sạch, chị cũng chỉ giữ lại cho mình những chân và đầu, cổ, cánh. Thịt và rau quả đều được chị gói lại trong từng bọc ni lông nhỏ, đủ cho mỗi bữa ăn.
Một người mẹ khác ngồi bóc vỏ những con tôm đã luộc chín trước khi bỏ bì, cho vào tủ lạnh. Chị kể: Hôm qua đi làm về muộn, kho thịt xong, múc ra mấy cái đĩa lớn rồi bật quạt làm nguội, sau đó mới cấp đông, kịp ngày mai đóng thùng xốp, để “nếu xe vô có trục trặc thì đồ ăn cũng không bị hư”. Chị không quên bỏ vào thùng đồ ăn mấy múi sầu riêng đựng trong hộp nhựa cùng vài bó sả và chanh, ớt... Theo chị, ở TP. Hồ Chí Minh, ra đường lúc này nguy hiểm lắm nên lo được gì cho con cái thì lo.
Người Gia Lai phải trả cước vận chuyển từ Pleiku đến nơi người thân mình đang sống khoảng 250-300 ngàn đồng cho một thùng đồ ăn có trọng lượng 15-20 kg. “Tuy cước khá cao nhưng giai đoạn này, người ta nhận cho đã là quý”-một người mẹ tâm sự.
Đó chỉ là một vài trong vô số các bà mẹ luôn ngày đêm lo lắng, chăm chút cho con cái, người thân của mình đang sống ở vùng tâm dịch mà tôi bắt gặp. Tôi cũng nhìn thấy trên nhiều thùng xốp đựng đồ ăn được gửi đi mỗi buổi chiều từ Pleiku, ngoài tên người gửi, người nhận và số điện thoại của đôi bên còn có khá nhiều hình vẽ ngộ nghĩnh và mấy nét chữ học trò, hẳn là từ những đứa em nơi quê nhà: “Út bình tĩnh, cố lên!”, “Anh Hai khỏe nha!”, “Sài Gòn chiến thắng!”...
Tôi hiểu, khi những người dân Gia Lai gửi đồ ăn về TP. Hồ Chí Minh cho thân nhân, họ đã trao gửi cả nỗi mong chờ, niềm hy vọng của mình vào một ngày mai, khi dịch tan, bình an trở lại.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm