Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Gương mặt thơ: Đàm Chu Văn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
(GLO)- Ông xuất thân là bộ đội, tên thật là Đàm Xuân Nhiệm, sau khi xuất ngũ thì về làm ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai.

Hiện ông là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam ở Đồng Nai. Ông đã xuất bản 11 tập thơ, với nhiều giải thưởng về thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Lao động, Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức…

Thơ ông chỉn chu và cũng chắc chắn như tính cách người lính, ý đằm trong hình ảnh còn hình ảnh thì đầy hiện thực. Cái hiện thực trong thơ ông chính là những gì ông đã trải qua, đã chiêm ngẫm và chắt đúc lại. Những tứ thơ vút lên từ hiện thực là đặc điểm nổi bật của thơ ông.

Thơ ông đã được chọn vào sách giáo khoa lớp 3, nó như thế này: “Bay lên! Kìa bay lên!/Những cánh bay ngũ sắc/Trời quê hương xanh ngắt/Những tiếng cười chao nghiêng/Bay lên! Kìa bay lên!/Kiễng chân, reo mắt phố/Thắm tươi khăn quàng đỏ/Tung tăng buổi tan trường”, đầy màu sắc và vui tươi.

Sống ở Đồng Nai nên thơ ông nhắc nhiều tới rừng, tới núi, tới cây mà bài thơ “Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban” là một ví dụ. Bài thơ một thời nổi tiếng trên báo chí: “Tuổi ta nhiều hơn tuổi các ủy ban/bao nhiêu lượt mùa xuân về không nhớ nữa/những tòa nhà cao tầng có thể cao hơn ta nhưng vẫn cần sự che chở của ta/ta ủ rừng đại ngàn trong từng thớ cây mạch rễ/ủ thời gian trong xạc xào tiếng lá/ủ niềm vui, nỗi buồn những sớm nắng chiều mưa”.

Cơn bão Yagi vừa đi qua, Hà Nội bao nhiêu cây đổ gãy, mới thấy quý cây, cần cây như thế nào? Đây là những câu thơ rút ruột về rừng từ chính những đêm ngủ rừng của người lính Đàm Chu Văn: “Đêm rừng ai hát ca vang/bóng mình chạm nỗi mênh mang núi rừng/ngỡ còn súng đạn choàng lưng/lên rừng lòng lại nhớ rừng khôn khuây”.

Cũng không phải vô tình ông gửi cho Báo Gia Lai Cuối tuần một chùm thơ liên quan nhiều đến hoa và cây.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.



Hoa xuyến chi



Trắng muốt, lấm tấm nở hồn nhiên trên những sườn đồi

Ta về tìm bông hoa ngày cũ

Xuyến chi ơi em ở đâu, mùa xuân đã về bên cửa

Mà hoa còn trôi dạt ở phương trời nào

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Hay em đã về mà ta không nhận ra

Tả tơi gió bụi…

Xin đừng tìm bông hoa ngày xưa

Trắng muốt nhỏ nhoi mạnh mẽ

Xin đừng tìm giấc mơ ngày xưa

Hoa xuyến chi nở và tàn bên những sườn đồi

Trắng muốt nhỏ nhoi kiêu hãnh.



Cây kơ nia



Vẫn đầu buôn sừng sững

bóng hòa ngàn xanh

tưởng còn nghe thấy tiếng vỗ cánh của những câu hỏi

một niềm tin thiêng liêng!



Cây kơ nia Tây Nguyên

ngẩng cao đầu nắng gió

lời thề dao chém đá

giận dữ căng cây ná, cây cung

bắt cái ác cúi đầu

bắt kẻ thù phải hai lần run sợ.



Mặt trời thắp sáng trên ngọn cây

bọn xấu lẻn lút nơi xó tối

chúng mang theo những lời nói dối

kích động rẽ chia hại người

cây kơ nia vươn vai

lũ độc ác cuống cuồng trốn chạy.



Dáng cây vươn cao mãi

tỏa mát mái nhà rông.



Khăn rằn



Khăn rằn ấm cổ choàng vai

Của miền trong gửi miền ngoài đó em

Mặn nồng mỗi sợi chỉ đan

Bền thương sợi dọc, sợi ngang, sợi tình.

Ủ hồng gương mặt tươi xinh

Thắp lên rạng rỡ ta-mình tin yêu!

Minh họa: H.T

Minh họa: H.T

Mong manh từ đốm đèn khêu

Từ bâng quơ ngọn gió chiều thoảng bay…

Khăn rằn ai tặng cho ai

Dầm đêm đêm ấm, dãi ngày ngày êm

Rét rừng ngày ấy đâu quên

Nhiều khi tha thẩn muốn lên với rừng.



Khăn rằn ôm ấp người dưng

Rằng qua máu lửa, muối gừng có nhau

Bộn bề tình nặng nghĩa sâu

Không dưng ai lại trao nhau khăn rằn.

Có thể bạn quan tâm