Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Gương mặt thơ: Đỗ Trung Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ông là Đại tá quân đội, nguyên Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Tiếng nói Việt Nam (Đài Tiếng nói Việt Nam), nguyên Trưởng phòng Biên tập Báo Cuối tuần (Báo Quân đội nhân dân), hiện sống ở Hà Nội. 

Với bài thơ “Đêm sông Cầu” viết năm 1980, ông đã được điểm danh vào đội ngũ nhà thơ trẻ tài hoa thời ấy. Bài thơ được 4 nhạc sĩ là Văn Thành Nho, Trần Thanh Tùng, Đoàn Bổng và Phan Lạc Hoa phổ nhạc. Bài hát “Tình yêu bên dòng sông quan họ” phổ từ bài “Đêm sông Cầu” nổi tiếng hơn cả, hầu như ai yêu nhạc Việt Nam đều biết.

Không chỉ làm thơ, làm báo, ông còn dịch rất nhiều thơ chữ Hán của các nhà thơ nổi tiếng như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị và các tập sách “100 nhà thơ Đường”, “Trúc Lâm Tam Tổ thi” (thơ của 3 vị Tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử). Riêng cuốn “Tổng tập thơ chữ Hán Nguyễn Du” dày gần 500 trang được đánh giá là tập sách kỹ lưỡng, công phu và chất lượng. Ngoài ra, ông còn là họa sĩ có triển lãm riêng và từng bán được tranh để... làm nhà.

Với Gia Lai, ông có kỷ niệm buồn, là anh ruột ông, liệt sĩ Đỗ Trung Cẩn, nằm tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh mà mãi gần đây ông mới có thể đưa anh về quê với sự giúp đỡ của đồng đội ở Quân đoàn 3 (Báo Gia Lai đã có đăng bài ông viết về việc này). Ông có 2 bài thơ viết về anh mình ở Pleiku với những câu ám ảnh: “Ngổn ngang mây trắng trên đầu/Ba ngàn mộ trắng một mầu như mây/Mây trên ấy còn bay muôn thuở/Ba ngàn nay đã bỏ tay chèo/Ba ngàn mãi mãi buông neo/Ba ngàn mãi mãi nằm theo đội hình”.

Thơ ông nhuần nhuyễn giữa ý thức công dân và cảm xúc cá nhân nên đọc vừa hào sảng vừa nhẹ nhàng, ngồi bên người yêu vẫn đau đáu về phương tiếng súng: “Tình yêu có từ hai ta/Chẳng đủ gần mà giận dỗi/Nhà xa, mặt trận càng xa/Gặp nhau lần nào cũng vội/Ngày mai chắc là nhiều nắng/Nên sao giăng khắp trên đầu/Ngày mai chặn miền Ải Bắc/Tựa lưng vào đêm sông Cầu” (Đêm sông Cầu).

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.



Đá và cờ ở Đồng Văn



Dưới bóng vàng sao đầu Lũng Cú

Đá cũng là dân đất nước tôi

Chiều xuống, sương bò ra mặt đá

Như người giữ nước đổ mồ hôi.



Cả đá lẫn người đều lẫm liệt

Muôn kiếp thi gan nhật nguyệt rồi

Ngậm gió Cổng Trời buông tiếng thét

Đá thề sống chết tựa người thôi.



Sống chết, tận trung mà báo quốc

Chầu bên cột mốc chốn biên thùy

Ấm lạnh với người trong sương tuyết

Che đỡ cho người lúc hiểm nguy.



Rồi đá cho người thân kiếp đá

Dựng thành chót vót với uy nghi

Hồn nước ngày đêm theo thạch trụ

Phần phật reo trên ngọn quốc kỳ.



Tôi ru con gái tôi



À ơi con ngủ cho ngoan

Đắp chăn rồi bố mắc màn cho con

Nửa đời nước nước non non

Con vừa một tuổi, bố tròn bốn mươi.



Nửa đời đi ngược về xuôi

Đêm nay bố ngắm con cười trong mơ

Môi hồng, da trắng, tóc tơ

Bố cho máu đỏ, mẹ cho hình hài.



Trời cho tính nết sau này

Cầu cho con những khéo tay, dịu dàng

Trong đêm con thở nhẹ nhàng

Cầu cho con khỏi bần hàn mai sau.



À ơi con ngủ cho lâu

Cầu cho con chẳng một câu lụy người

À ơi thân gái ở đời

Những nơi tục lụy con thời tránh xa.



“Thiện căn ở tại lòng ta”

Mạnh hơn lẽ quỷ lời ma dọc đường

À ơi thương đến là thương

Cầu cho Thánh Thiện dẫn đường con đi.



Đừng ham ngũ sắc làm chi

Trời xanh muôn thuở có gì cũ đâu

Đò đầy, phá rộng, sông sâu

Có qua thì lúc bạc đầu hãy qua.

Minh họa: H.T

Minh họa: H.T

Yêu thơ cùng với yêu hoa

Cũng đừng yêu quá như là bố yêu

Ở nhà biết vá biết thêu

Ra đường kẻ ghẹo người trêu mặc người.



À ơi thân gửi ở đời

Cổ kim đâu cũng quý người thủy chung

Câu rằng, chị ngã em nâng

Là qua hết được mọi vùng khó qua.



Đi cùng con lúc tuổi hoa

Đời người ngắn lắm! Bố già đến nơi

Nay mai trời gọi lên trời

Cũng là đã có mấy lời cho con.



À ơi máu đỏ như son

Mai sau con lớn, con còn nhớ chăng?



Thơ viết ở nghĩa trang liệt sĩ Pleiku



Ngổn ngang mây trắng trên đầu

Ba ngàn mộ trắng một mầu như mây.



Mây trên ấy còn bay muôn thuở

Ba ngàn nay đã bỏ tay chèo

Ba ngàn mãi mãi buông neo

Ba ngàn mãi mãi nằm theo đội hình.



Ba ngàn phận, tình ba ngàn khối

Vọng cố hương từ cuối chân trời

Ai người cha mẹ khuất rồi

Ai người vợ góa con côi đến giờ.



Ai ngã lúc mịt mờ lửa đạn

Còn vùng lên trao bạn lá cờ

Ai người lạc nước sa cơ

Mười năm thao lược, một giờ buông tay.



Ai đi nhẹ như mây như khói

Ai đi sau cơn đói dài ngày

Ai vì sốt rét về đây

Ai vì lở đá, đổ cây giữa rừng.



Ai vượt thác nửa chừng cạn sức

Ai bờ khe mép vực sa chân

Ai người số phận xoay vần

Hùm xanh, báo trắng, voi thần đem đi.



Ai đã chẳng tiếc gì máu nóng

Bỏ thân mình cho sống bạn mình

Rồi đi, không ảnh không hình

Đem sinh mệnh đúc khối tình tặng nhau.



Những ai nghỉ cùng sâu một mộ

Biết tìm đâu cho đủ hình hài

Chẳng sinh từ một bào thai

Ôm nhau, cốt nhục Đông-Đoài xá chi



Những ai kịp thầm thì trăng trối

Phút cuối cùng đứt nối lời thiêng

Ai người lịm tắt trong đêm

Nằm im trên võng mà quên cuộc đời.



Ai người mười tám, đôi mươi

Ai người tóc bạc? Ai người hoa râm

Ai là cán? Ai là quân

Bây giờ trắng xóa quây quần bên nhau.



Ngổn ngang mây trắng trên đầu

Ba ngàn mộ, trắng một mầu như mây.

Có thể bạn quan tâm