Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.

Thơ ông cách tân nhưng không rối rắm, cầu kỳ, nó là sự chiêm ngẫm, đào sâu, suy nghĩ rồi thể hiện một cách lạnh, thiên về lý trí chứ ít cảm xúc trữ tình. Đọc thơ ông, ta như lạc vào một thế giới trần trụi hơn, sắc lạnh hơn, sự tương phản rõ nét hơn. Tuy thế, lặn sâu trong thế giới ấy, thơ ông là yêu thương, là trách nhiệm, là cháy bỏng niềm tin vào con người, vào những điều tốt đẹp. Ông đặt ra nhiều câu hỏi về kiếp người, về thế giới ta sống, về vô hạn-hữu hạn, kiểu như: “gió vô hồi ngàn sau chưa hết/có nhận ra ta trong hữu hạn kiếp người” hay như: “đêm mắt mèo ngọt ngào vầng trăng tan sau lá/trái tim quả chuông treo trước gió phập phồng cùng nhịp thở/tôi nhận ra tiếng chân bước nhẹ êm của ngọn triều vừa lên”.

Ông từng tự bạch: “Nếu ai đó hỏi: Cái gì làm cho anh đau khổ nhất. Tôi trả lời, đó là thơ. Với tôi, hầu như tất cả những bài thơ viết ra đều xuất phát từ một chuyện buồn, một sự cô đơn, vật vã. Ngay những bài thơ gọi là có tính xã hội hoành tráng, nó cũng được gọi lên sau bao nỗi dâu bể, trầm cảm. Câu thơ vui cũng hình thành từ nước mắt. Tôi nhận ra rằng khi tâm cảm anh được dồn nén, đến mức nào đó, thơ sẽ xuất hiện. Có những bài thơ tôi viết ra chỉ trong khoảnh khắc. Trong trường hợp này, tôi nghĩ có ai đó viết hộ cho mình, chứ bản thân không thể làm được”.

Ông có nhiều giải thưởng trung ương và địa phương, đã xuất bản gần 20 tập sách, bao gồm thơ và tiểu luận phê bình. Hiện ông sống và sáng tác ở Đồng Hới (Quảng Bình), từng là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật và Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Quảng Bình. Gia đình ông có tới 2 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là ông và người con gái.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.



ĐÊM OẢI HƯƠNG



Đêm được cắt từng lát nhỏ chia đều mười hai tiếng

em ngọt ngào hoa oải hương

một năm cũng chia ra ba trăm sáu lăm ngày anh khiêm nhường

chọn ngày thừa

năm nào tròn trịa

mất trắng.



thời rau muống

anh cười rần rật khi bới trộm khoai nhà giỏi hơn kẻ có nghề

ngồi nhìn mâm không

biết rồi khổ lắm cứ nói mãi

anh còn nói khi tấm ván thiên đến giờ sập xuống mới thực là đêm.

Minh họa: H.T

Minh họa: H.T

đêm vĩnh hằng vầng sáng thiêng liêng

xưa hồn nhiên đếm từng ngôi sao một sao thần nông hình lưỡi cày

sao bắc đẩu gãy khúc

ngôi sao nào của anh & em

anh sẽ ngắm trong đất đến mòn đôi mắt.



đêm tấm chăn tóc lòa xòa trước mặt

em chưa hay khi nằm xuống mới thấy sự ấm áp đời người

dù vẹt đôi guốc nhỏ

con số ba sáu lăm đếm sao hết vui buồn

đêm oải hương tinh khôi chỉ một lần xảy ra trong lòng đất.



CHIẾC GƯƠNG BAN CÔNG



Anh sẽ thấy gương mặt ban công hiện ra đêm nay

đường chân trời mềm viền môi chớp đỏ

những chấm nhỏ xa xăm của các ngôi sao tím bầm đang trở về nguồn cội.



ngôi nhà mình anh mở cánh cửa tươi rói

giống cây nến thân quen chọc thủng bóng tối soi từng vết khâu

ngoài điều mong muốn.



anh nhìn như người mù chợt bừng sáng đôi mắt

nhận ra nước trộn với lửa ý tưởng không thể bỏ quên

khi ngồi quấy lên trang giấy ban công trước sóng chiếc gương phản chiếu.



NGƯỜI CÂU GIÓ



Không ai nhận ra lối đi của gió

không ai nhận ra gương mặt gió

anh nhẫn nại ngồi câu trên đồi.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

sợi dây mảnh mai những con diều làm mồi với đôi cánh mỏng

gió và gió thổi căng phồng

túi càn khôn kè kè bên hông rỗng rễnh.



một ngày câu hai bàn tay trắng trở về một đời câu tóc xanh

hóa thành tóc trắng

lịch trình gió buốt chưa thôi.



gió vô hồi ngàn sau chưa hết

có nhận ra ta trong hữu hạn kiếp người.

Có thể bạn quan tâm