Đọc những dòng anh viết về cha, về mẹ, chúng ta đều thấy rưng rưng trước tình cảm của một người con, dẫu lớn, dẫu trưởng thành nhưng vẫn vô cùng nhỏ nhoi, yếu ớt. Trước khi về hưu, anh là Tổng Biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Dẫu về hưu nhưng anh vẫn viết, thậm chí nhiều hơn. Và vẫn thế, thơ anh luôn đầy... biển: “Tôi kịp lợp cánh diều bằng đôi mang của cá/Ở phía cuối chân trời/Đôi mang cá đêm đêm về nức nở/Lén thả vào tôi chút bong bóng cuối ngày”...
Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.
Trưa tháp Chàm
Tháp Chàm dựng trưa ong ong nắng
Nắng xương rồng quánh nhựa quắt cây
Thi sĩ ví tháp Chàm là tháp nắng (*)
Lửa vẫn còn quăn mép gạch xây.
Tôi bỗng gặp một tháp Chàm mới đắp
Cánh đồng khô tuốt bóng ngọn rơm gầy
Đêm nhỏ giọt tháp Chàm thành nến thắp
Ngọn nến nhờ hơi đất phả thành cây.
Tháp Chàm hỡi! Người xưa không
ngoảnh mặt
Thuở nhà vua cũng xuống ruộng đi cày
Tháp Chàm khát như một đời người khát
Nước như là máu nhỏ giọt xuống đây.
Gió xương rồng từng lóng xương người rụng
Trưa tháp Chàm uống nắng khô hanh
Tôi thắp nén nhang cắm vào tháp lửa
Khói rưng rưng cháy ngược trời xanh…
----------------------
(*) Ý thơ của nhà thơ Inrasara
Mẹ và biển
Minh họa: H.T |
Mẹ đong biển vơi đầy miệng thúng
Nửa xõa xuống giờ-nửa ngấm vào xưa
Chiếc đòn gánh xoắn mẹ theo thớ gió
Sấp ngửa đi dọc lát sóng cuối mùa.
Ngôi nhà mẹ lợp bằng ngấn sóng
Sực ấm trầu cay, tơ nhện buông màn
Chân nhện túm vào con nhấc bổng
Mẹ neo vào đăm đắm hoàng hôn.
Ở phía cuối chân trời
Tà áo chiều tuột chiếc khuy cuối cùng thả đêm về bọc gấm
Tôi lang thang cùng vỏ ốc, tù và
Mẹ gọi tôi về khi vạt nắng cuối ngày khép mảnh buồm
không nếp gấp
Những nấm mộ san hô không còn người đến đắp
Tôi nhặt nhánh xương gầy treo trước cửa hoàng hôn.
Tôi tai tái giữa ngày bạc nước
Gió vò mây (nắng vò mẹ thêm gầy)
Tôi kịp lợp cánh diều bằng đôi mang của cá
Ở phía cuối chân trời
Đôi mang cá đêm đêm về nức nở
Lén thả vào tôi chút bong bóng cuối ngày.