Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Hà Nội đưa 3 huyện lên thành phố: Cơ hội thay đổi diện mạo chật chội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mới đây UBND TP.Hà Nội dự kiến, nghiên cứu, đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025. Theo các chuyên gia, đây là điều kiện tốt để Hà Nội giãn dân ra khu vực bên ngoài để cải tạo những khu vực ngóc ngách, chật chội khu vực trung tâm.

Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến nghiên cứu, đề xuất chủ trương và quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh trở thành thành phố. Ảnh: Hoàng Sơn
Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến nghiên cứu, đề xuất chủ trương và quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh trở thành thành phố. Ảnh: Hoàng Sơn



Đô thị hoá để giãn dân cho nội đô

Trao đổi với Lao Động, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, hiện nay Hà Nội đang điều chỉnh, khắc phục quy hoạch chung năm 2011 bởi đã bộc lộ nhiều bất cập.

Ví dụ, trong quy hoạch năm 2011 ta có 5 đô thị vệ tinh, nhưng thực tế thì trong 5 đô thị vệ tinh này chỉ có đô thị Hòa Lạc được tập trung nguồn lực và đang hình thành để thu hút đầu tư. Các đô thị còn lại chưa phát triển như kỳ vọng.

Ông Tùng cho biết, các đô thị vệ tinh muốn phát triển thì phải có kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng giữa các đô thị với đô thị, giữa đô thị với đô thị trung tâm. Trên thế giới, mô hình mới của họ là tránh siêu đô thị, tập trung phát triển đô thị vừa và nhỏ.

Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam phân tích, lợi thế khi đưa 3 huyện này lên thành phố đều thể hiện rõ. Huyện Sóc Sơn có sân bay, nó sẽ là đô thị sân bay, phục vụ cho hàng không, hàng hóa, dịch vụ, các quy hoạch khác. Còn huyện Đông Anh khi phát triển đô thị sông Hồng và các cây cầu thì có tác động lớn với trung tâm.


 

Ảnh: Ninh Phan
Ảnh: Ninh Phan


“Rõ ràng, để lên được thành phố thì phải đảm bảo được chỉ tiêu dân số, đô thị hóa, phải có dịch vụ, việc làm thì người dân mới có sinh sống, gắn kết. Lúc đó mới là thành phố họ làm việc, nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác”, ông Tùng chia sẻ.

Điều mà Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam kỳ vọng khi các huyện lên thành phố là phát triển những khu nhà ở nằm trong thành phố đó để phục vụ cư dân. Khi các thành phố vệ tinh mọc lên thì người dân không dồn vào thành phố trung tâm. Bởi lẽ ở đó đầy đủ việc làm, trường học, bệnh viện…

“Nếu có các thành phố như thế này là điều kiện tốt để Hà Nội giãn bớt dân ra ngoài và cải tạo những khu vực ọp ẹp, ngóc ngách…”, ông Tùng nói và cho biết cần phải làm bài bản, có quy hoạch vạch sẵn, đánh giá đầy đủ chứ không nên đốt cháy giai đoạn.

Theo ông Tùng, vẽ quy hoạch rất đẹp, ý tưởng rất hay nhưng không thực hiện được là đáng tiếc. Chúng ta thường khoác vào tầm nhìn nhưng tầm nhìn phải dựa trên thực tế, nguồn lực, khả năng điều tiết, quản trị đô thị. Nếu cứ "vẽ" lên trong tương lai 3 thành phố như vậy nhưng tập trung nguồn lực ra sao, phát triển như thế nào là một vấn đề. Quy hoạch để đi trước một bước là tốt, đi trước một bước là tiền đề để cho phát triển kinh tế xã hội, nhưng không phải đi trước mà không biết đi vào đâu.


 

 KTS Phạm Thanh Tùng. Ảnh: Anninhthudo
KTS Phạm Thanh Tùng. Ảnh: Anninhthudo



“Đông Anh và Mê Linh là 2 huyện tiếp giáp rất nhiều với sông Hồng. Làm thế nào để có thể khai thác được quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, tạo ra không gian xanh, vành đai xanh cho Thủ đô là vấn đề mà chúng ta cần tính tới bây giờ. Đô thị ven sông Hồng sẽ thu hút những nhà đầu tư thông minh, có tư duy lớn...” - chuyên gia đặt câu hỏi.

Cơ hội để cải tạo giao thông

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, Hà Nội đang nỗ lực để cải thiện giao thông đô thị và số giải pháp trong quy hoạch phát triển. Thách thức lớn nhất của quá trình đô thị hóa là việc giải quyết các vấn đề về giao thông. Khi một đô thị giải quyết tốt các vấn đề về giao thông sẽ tạo được tiền đề, động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đô thị nói riêng và nền kinh tế quốc gia nói chung.

Theo ông Liên, phát triển đô thị hoá là việc làm bức thiết của các địa phương, đặc biệt là Hà Nội. Đây được xem là cơ hội rất lớn để thành phố cải tạo lại giao thông cho cả nội đô và ngoại thành. Mạng lưới giao thông đô thị hiện đang rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng, chật chội và xuống cấp. Do đó, nếu không có sự thay đổi kèm theo những chính sách phát triển đột phá trong quy hoạch ở những năm tiếp theo.

Đồng thời, để quy hoạch 3 huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn lên thành phố thì việc kết nối giao thông đi lại giữa những nơi này đến nội đô và đến các tỉnh cũng được tính toán, đầu tư bài bản. Chuyên gia giao thông lưu ý, quy hoạch phát triển giao thông vận tải của một đô thị phải đi trước và mang tính chủ đạo, có tính chất quyết định cho việc định hướng phát triển không gian; bố trí, sắp xếp toàn bộ cảnh quan và quy mô cấu trúc của đô thị đó.

"Việc đưa 3 huyện lên thành phố sẽ giúp thay đổi diện mạo Thủ đô một cách đáng kể. Khi đó, các quy hoạch về cải tạo giao thông sẽ khắc phục các hạn chế hiện nay về đường sá, nhà cửa sinh hoạt chật chội" - chuyên gia giao thông nhấn mạnh.
 

Hà Nội đang thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
Hà Nội đang thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.


Hiện nay, một trong những điểm đáng chú ý của quy hoạch là Hà Nội dự kiến sẽ triển khai xây dựng tới 10 cây cầu lớn vượt sông Hồng, gồm: Cầu Việt Trì - Ba Vì, cầu Vân Phúc, cầu Hồng Hà, cầu Thượng Cát, cầu Tứ Liên, cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở và cầu Phú Xuyên.

Không chỉ giải quyết vấn đề giao thông thông thường, việc Hà Nội triển khai xây dựng 10 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng được đánh giá còn hướng đến đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển kinh tế, đồng thời khai phá tiềm năng quỹ đất cũng như đời sống người dân ở các vùng ven Hà Nội. Với việc Hà Nội có thêm các cây cầu bắc qua sông Hồng, các tỉnh thành ven Hà Nội cũng có thêm điều kiện để phát triển đời sống kinh tế - xã hội.

https://laodong.vn/thoi-su/ha-noi-dua-3-huyen-len-thanh-pho-co-hoi-thay-doi-dien-mao-chat-choi-961735.ldo
 

Theo Phạm Đông (LĐO)

Có thể bạn quan tâm