Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Hà Nội những bản tình ca mùa thu…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người ta nói, Hà Nội sẽ chẳng còn là Hà Nội nếu thiếu đi mùa Thu. Thu đến khoác trên mình tấm áo lụa đào trầm mặc trong một buổi chiều gió muộn, những ngày nắng vàng e ấp chứ chẳng quá sôi nổi, gay gắt như mùa hè đổ lửa, cũng không lạnh nhạt, heo hắt như lúc đông sang. Có lẽ cũng bởi nét đẹp lãng mạn và nên thơ ấy mà Thu Hà Nội đã khơi nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ nhạc sĩ. Những giai điệu nhẹ nhàng, trong sáng hòa cùng ca từ giản dị mang màu nắng vàng nhàn nhạt, mùi hương cốm nếp thơm nồng, ngọc lan thoảng trong gió, hay đơn giản chỉ là sắc đỏ của những tán bàng đổi màu và những hàng sấu già trút lá… luôn khiến người nghe rung động, quyến luyến mãi không thôi.

Hồ Gươm mùa Thu (tranh hoạ sĩ Trần Duy)
Hồ Gươm mùa Thu (tranh hoạ sĩ Trần Duy)


Biết là có nói mãi, ngợi ca mãi thì cũng không bao giờ là đủ. Chỉ nêu vài bản tình ca mùa Thu Hà Nội trong những giây phút giao mùa này, như một món quà tâm hồn gửi đến những ai đã trót phải lòng Hà Nội, dịp Thăng Long- Hà Nội tròn 1010 tuổi.

“Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng/Cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau/Phố xưa nhà cổ, mái ngói thẫm nâu/Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội…” (Nhớ mùa thu Hà Nội – Trịnh Công Sơn). Có lẽ với bất cứ ai yêu Hà Nội, những giai điệu sâu lắng và mộc mạc này đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Tôi từng nghe một người bạn chia sẻ, xa Hà Nội hơn 10 năm nhưng mỗi khi nghe “Nhớ mùa thu Hà Nội” do ca sĩ Hồng Nhung thể hiện thì lòng anh lại xốn xang, bồi hồi khó tả, tựa hồ như ai đó gom hết cả Hà Nội và thanh xuân mà gửi đến cho mình. Những lúc như thế, thấy Hà Nội gần lắm, như thể chỉ cần với tay một chút là có thể chạm tới “mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió”, nhưng với mãi, với mãi vẫn chẳng tới được, lại vô tình chạm vào nỗi nhớ cồn cào, đau nhói…

Cũng Trịnh Công Sơn, trong hai sáng tác nổi tiếng viết về mùa Thu Hà Nội, “Đoản khúc thu Hà Nội” mang vẻ nhẹ nhàng, ấm áp cũng giống như nhịp sống lặng lẽ, âm thầm của Hà Nội. Nếu ở “Nhớ mùa thu Hà Nội” là những rung động trước cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, đầy màu sắc của mùa thu Hà thành, là nỗi buồn man mác khi tình yêu giữa đất trời và con người vừa chớm nở đã phải chia xa thì ở “Đoản khúc thu Hà Nội”, hình ảnh về thủ đô lại là một “mùa thu tràn nỗi nhớ”-nỗi nhớ mộc mạc không lý do. Vậy nên, nhạc sĩ họ Trịnh mới nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng “không bởi vì em hay vì em”, chỉ “bởi vì mùa thu tôi ở lại” mà thôi!

Trong các ca khúc về mùa Thu Hà Nội, phải kể đến “Có phải em mùa thu Hà Nội” (thơ Tô Như Châu, nhạc Trần Quang Lộc). “Có phải em mùa Thu Hà Nội” nguyên thủy là bài thơ của thi sĩ Tô Như Châu sáng tác vào tháng 8-1970 tại Đà Nẵng, dựa trên cảm hứng về hình ảnh những cô gái Bắc di cư lúc ấy, xõa tóc thề ngồi bên phím dương cầm. Theo lời thi sĩ kể lại, thời đó ông rất mê những cô gái Bắc di cư và đã mơ mộng về mùa thu Hà Nội như thế. Điều kỳ lạ là mùa thu Hà Nội trong tưởng tượng của thi sĩ Tô Như Châu sau khi được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc bỗng trở nên “dễ ngấm” đến lạ lùng. Với những giai điệu tuyệt đẹp và tiết tấu dàn trải, tự nhiên, xen lẫn chút hư ảo, người ta bỗng thấy cuộc đời thật tươi sáng và nhiều hy vọng: Thôi thì có em đời ta hy vọng/Thôi thì có em sương khói môi mềm/ Có phải em là mùa thu Hà Nội…”.

Nhắc tới Thu Hà Nội mà không nhắc tới hoa sữa thì quả là một thiếu sót vô cùng lớn. Chẳng biết tại sao hay vì lý do gì mà dù hoa sữa có thể trồng ở bất cứ đâu, nhưng hoa sữa Hà Nội vẫn luôn có một vị trí vô cùng đặc biệt, nếu không muốn nói là độc tôn. Bởi, mỗi khi “nghe” mùi hoa sữa, điều đầu tiên người ta nghĩ tới luôn là Hà Nội lúc sang thu, cũng giống như dù quen bao nhiêu người chăng nữa, vẫn chỉ có một mối tình khiến ta day dứt mãi không nguôi. Chẳng thế mà Hồng Đăng lại cảm tác “Hoa sữa”, để rồi người người ai nghĩ đến mùi hoa sữa là nghĩ đến Hà Nội, nghĩ đến mùa thu Hà Nội: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào, anh lại quên em, có lẽ nào…”.

Cùng với những nhạc sĩ cựu trào Trịnh Công Sơn, Trương Quang Lộc, Hồng Đăng… mùa thu Hà Nội cũng là nguồn cảm xúc vô tận cho các thế hệ thi sĩ, nhạc sĩ đương đại. Nồng nàn Hà Nội” của Nguyễn Đức Cường có lẽ là bài hát “trẻ” mà hay nhất về Hà Nội trong những năm trở lại đây. Trẻ không chỉ bởi tác giả sáng tác khi đang còn là một cậu thanh niên mới ra trường mà còn trẻ bởi giai điệu của ca khúc và trẻ bởi hình ảnh của Hà Nội rất mới, rất hiện đại. Thật tình, người ta vẫn thích tìm lại Hà Nội của những ngày xưa thương nhớ hơn là thưởng thức Hà Nội của hiện tại. Thế nhưng, với “Nồng nàn Hà Nội”, Nguyễn Đức Cường đã thổi hồn vào Hà Nội đương đại một luồng gió mới, chân thực mà không kém phần lãng mạn. Chàng nhạc sĩ trẻ từng bộc bạch, ca khúc này được anh viết lúc mới ra trường, lập nhóm đi diễn ở các tỉnh: “Chúng tôi thường về muộn, rất khuya, có lần về đến Hà Nội đã chạng vạng sáng rồi. Lúc đó, trong người rất mệt mỏi nhưng nhìn thấy một Hà Nội yên bình, đang chuyển động sang ngày mới thì quên hết mệt. Tiết trời khi đó đang mùa thu, se lạnh, những cụ già, trẻ em bắt đầu xuống phố tập thể dục. Tôi cứ nhìn thấy gì thì viết ra như thế thôi”. Và, một “Hà Nội dịu dàng và ấm áp”,“phố phường bao sắc màu, bao ánh đèn”, “chiều nhạt nhòa Hồ Gươm lung linh”, “dòng người vội vã”, “ngồi ăn một quán ven đường”… bỗng hiện lên, tự nhiên như chính cuộc sống chúng ta vẫn trải qua hàng ngày, để ta thấy Hà Nội dù đã đổi khác nhưng vẫn cổ kính và nên thơ lắm, chỉ cần lòng người vẫn giữ được tâm hồn lạc quan…

Theo S.T (cadn)

Có thể bạn quan tâm