Giới chuyên môn lo ngại với hạ tầng hàng không còn kém như hiện nay, các sân bay sẽ quá tải khi tới đây có thêm nhiều hãng bay được cấp phép
Tại tọa đàm "Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức" do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức ngày 11-12 ở Hà Nội, một vấn đề gây nhiều tranh luận là tại sao chủ trương của ngành hàng không vẫn cấp phép cho các hãng hàng không mới trong khi còn nhiều bất cập về hạ tầng chưa giải quyết được?
"Miếng bánh" bé thì chia thế nào?
Ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho rằng thực trạng tăng trưởng cao của ngành hàng không thời gian qua đã và đang tạo ra khó khăn, đặc biệt áp lực về hạ tầng. "Hiện nay, với mức phát triển khoảng 20%/năm, các nguồn lực bổ sung để đáp ứng là không đơn giản. Để đào tạo phi công phải mất 5-6 năm/người, nhanh nhất cũng phải mất 3 năm. Các hãng hàng không sẽ phải thuê phi công ngoại, làm gia tăng chi phí. Các hãng hàng không nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam khai thác cũng tạo sức cạnh tranh lớn. Vấn đề là chúng ta cần có môi trường quản lý để phát triển nhanh, đồng bộ nhưng vẫn phải bảo đảm hiệu quả bền vững, chất lượng, an toàn. Có như vậy, cả hãng hàng không và khách hàng mới nhận được lợi ích dịch vụ ngày càng tốt và bền vững hơn" - ông Thành chia sẻ.
Còn theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), việc kiểm soát an ninh, an toàn hàng không liên quan đến tất cả các khâu, từ quản lý nhà nước, phát triển hạ tầng, quản lý bay, tổ chức vùng trời cho đến nhân lực. Phát triển nóng mà nhân lực yếu là một mối lo, ảnh hưởng đến an toàn bay.
Về ý kiến này, ông Dương Trí Thành nhấn mạnh Vietnam Airlines cùng với các đối tác, các hãng trong nhóm gồm có Jetstar Pacific, Cambodia Angkor Air, Vasco... nỗ lực phát triển bay tại Tân Sơn Nhất nhưng đang bị tắc vì vấn đề hạ tầng, vấn đề kiểm soát an toàn khai thác. Tăng trưởng của sân bay Tân Sơn Nhất trong năm nay chỉ đạt 5% cũng vì lý do này.
Ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air, thẳng thắn góp ý một khi vấn đề hạ tầng chưa giải quyết thì phải cân nhắc cho thành lập hãng hàng không mới. Theo ông Phương, "miếng bánh" dành cho các hãng tại Tân Sơn Nhất hiện nay là 44 chuyến/ngày. "Chúng tôi nhận được yêu cầu rất lớn của các địa phương là phải tăng tải. Nhưng giờ "miếng bánh" bé thế thì chia thế nào? Nếu tiếp tục đưa máy bay về, các hãng cũ và mới đều có nhu cầu đưa máy bay về thì bài toán tăng máy bay với hạ tầng hiện tại sẽ như thế nào?" - ông Phương đặt vấn đề.
Việc có nhiều hãng bay sẽ tạo thêm áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
ACV: Sẽ tháo gỡ nhiều nút thắt
Hiện cả nước có 5 hãng hàng không, gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco và Bamboo Airways. Ngoài số này, Vietstar Airlines vừa được cấp phép và 3 hãng khác đang chờ cấp phép là Vinpearl Air, Kite Air và Vietravel Airlines.
Giải thích lý do vì sao chưa giải quyết xong bất cập về hạ tầng nhưng ACV vẫn cấp phép và dự định cấp phép cho các hãng hàng không mới, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, lập luận đó là vì tiềm năng của thị trường hàng không vẫn còn rất lớn. Ví dụ như Mỹ, dân số trên 300 triệu nhưng thị trường hàng không khoảng hơn 800 triệu hành khách. Chúng ta có hơn 95 triệu dân nhưng mới chỉ có 200 máy bay được đưa vào khai thác tại 22 sân bay trên cả nước, trong khi nhu cầu rất lớn. Dự báo đến năm 2025, thị trường hàng không của Việt Nam sẽ có khoảng 150 - 180 triệu hành khách. "Về kết cấu hạ tầng, nhìn vào đề án của các hãng, Tân Sơn Nhất không phải điểm quyết định của họ. Các sân bay khác năng lực vẫn bảo đảm được và vẫn tiếp tục phát triển" - ông Thắng nói.
Trước lo ngại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bị áp lực nặng khi có thêm nhiều hãng bay mới, ông Thắng khẳng định: "Chúng tôi đang hằng ngày nghĩ cách để tăng cường năng lực. Những nút thắt về thể chế tới đây sẽ được tháo gỡ. Hạ tầng cũng sẽ phải đẩy mạnh. Thêm nhiều trung tâm huấn luyện phi công sắp ra đời...".
Được mời cho ý kiến, GS Nawal Taneja, chuyên gia hàng không quốc tế, nói rằng hoàn toàn có thể quản lý tốt hơn trong phạm vi hạ tầng hàng không Việt Nam trong tình hình hiện nay. Dù vậy, để duy trì lợi ích tốt nhất giữa khách hàng, hãng hàng không và nền kinh tế thì Chính phủ phải cân nhắc các yếu tố về tài chính, hạ tầng và nhân lực.
Không dễ bay thẳng đến Mỹ Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết hãng đang làm thủ tục để bay thẳng đến Mỹ. Nhưng ngay cả xong thủ tục, cũng phải cân đối cả nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh tế. Đây là thị trường đặc biệt lớn, thu hút khách bay thẳng không phải dễ. Còn theo ông Đinh Việt Phương, với thị trường Mỹ, hãng có cách tiếp cận khác. "Vietjet khai thác đội máy bay thân hẹp, với đường bay, chặng bay trong tầm 5 - 6 giờ. Chúng tôi kiên trì mô hình hoạt động của mình. Thời gian tới, hãng sẽ tập trung nâng cao số lượng máy bay, tăng tuyến, tăng tải, tăng điểm đến. Khách của Vietjet có thể bay đi Mỹ thông qua việc hợp tác liên doanh" - ông Phương thông tin. |
Dương Ngọc (Người Lao động)