Kinh tế

Nông nghiệp

Hai Bộ Nông nghiệp và Công thương họp khẩn 'cứu' nông sản trước nạn dịch corona

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ảnh hưởng của dịch virus corona, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp khó, nhiều mặt hàng nông sản như thanh long, dưa hấu,... có nguy cơ 'đổ bỏ' vì không có đầu ra. Hai Bộ NN&PTNT, Công Thương phải họp khẩn để bàn giải pháp 'cứu' nông sản.
 
Hàng trăm xe container hoa quả đông lạnh đang nằm chờ tại bãi xe cửa khẩu Tân Thanh - Ảnh: B.NGỌC
Chiều nay (3-2), Bộ trưởng Bộ NN &PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh sẽ cùng chủ trì họp bàn với các bộ, ngành, 6 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, các hiệp hội, ngành hàng doanh nghiệp để bàn các giải pháp thúc đẩy thương mại nông sản Việt - Trung ứng phó với dịch virus corona. 
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), nhằm thắt chặt việc phòng chống dịch virus corona, từ ngày 27-1, Trung Quốc đã quyết định kéo dài kỳ nghỉ Tết đến hết ngày 2-2 (mùng 9 tết). Nhưng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, các trung tâm giao dịch nông sản Giang Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) lại nghỉ hoạt động, giao dịch đến hết 8-2 (rằm tháng Giêng). 
Bên cạnh đó, tác động của dịch virus corona cũng như các biện pháp ngăn chặn dịch đã khiến nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm, hoạt động thương mại nông sản tại Trung Quốc bị đình trệ và tụt giảm nghiêm trọng thời gian qua. Dẫn tới giao thương hai nước Việt Nam và Trung Quốc bị ảnh hưởng, trong đó có mặt hàng nông sản. 
Ông Nguyễn Quốc Toản (cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản) cho biết, có một số doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam cung cấp cho thành phố Vũ Hán buộc phải hủy đơn hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh virus corona
"Như doanh nghiệp Hồng Thái Dương của phía Trung Quốc thường xuyên nhập khẩu từ 30-40% lượng thanh long của tỉnh Long An đã phải hủy một số đơn hàng khoảng 300 container, tương đương khoảng 6.000 tấn. Mặc dù Công ty này cũng đã phải đền bù do hủy đơn hàng cho đối tác phía Việt Nam khoảng 50 triệu đồng/container, nhưng vẫn không đủ bù đắp được thiệt hại cho bà con nông dân do đơn hàng bị hủy" - ông Toản dẫn chứng 
Theo ông Toản, các cửa khẩu quốc tế sẽ quay trở lại làm việc từ 3-2. Nhưng nút thắt là chúng ta xuất nông sản qua bên đó nhưng các chợ đầu mối chưa mở, người giao dịch chưa đến thì không thể giao dịch. 
Hiện tình hình tiêu thụ nông sản, đặc biệt là thanh long ruột đỏ (cung cấp chủ đạo cho thị trường Trung Quốc) đang rất khó khăn, nguy cơ bị ùn ứ cục bộ vì không có đầu ra. Trong khi đó, riêng đợt thu hoạch thanh long ruột đỏ chính vụ tại Long An và Tiền Giang từ nay tới đầu tháng 3 sẽ thu hoạch hơn 80.000 tấn.
Tuy nhiên, qua rà soát thì kho lạnh có khả năng dự trữ, bảo quản mặt hàng thanh long tại phía Nam công suất chưa lớn, còn hạn chế. Như tại Long An có 154 cơ sở sơ chế đóng gói trái cây nhưng hệ thống kho lạnh chỉ đáp ứng được cho nhu cầu dự trữ khoảng 12.000 tấn… 
Còn theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), đến ngày 31-1, hiện có 267 xe thanh long chưa được làm thủ tục thông quan và ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Lào Cai.
Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát lại toàn bộ thời vụ thu hoạch, sản lượng, chủng loại các vùng, tới từng huyện, xã sản xuất các mặt hàng trái cây chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm sớm có giải pháp chủ động tiêu thụ. 
Song song đó, Bộ cũng khuyến cáo bà con nông dân, các HTX, doanh nghiệp trong làm ăn, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cần phải có hợp đồng tiêu thụ chặt chẽ, tránh những rủi ro.
Chí Tuệ (TTO)

Có thể bạn quan tâm