Sức khỏe

Hai tác động bất ngờ của cà phê lên chứng đau đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
GS-TS Richard Lipron, chuyên gia thần kinh học từ Trường Đại học Y khoa Albert Einstein (Mỹ) đã giải thích tranh cãi lâu đời rằng cà phê làm giảm đau đầu hay kích hoạt cơn đau.

Theo Live Science, tranh cãi bắt nguồn từ việc một số người cảm thấy cơn đau đầu dịu đi thần kỳ sau khi uống cà phê, nhưng một số người khác lại bị đau đầu khi uống.

Theo GS Richard Lipron, cả hai cảm nhận trên... đều đúng. Cà phê là một chất kích thích thần kinh, làm co mạch, tăng tốc hoạt động của não. Do đó, nó có thể tác động đến cơn đau đầu của bạn theo các cách khác nhau.

Cà phê mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu không bị lạm dụng quá đà - Ảnh minh họa từ Internet
Cà phê mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu không bị lạm dụng quá đà - Ảnh minh họa từ Internet

Đầu tiên, khả năng làm dịu cơn đau đầu và cả chứng đau nửa đầu của caffein được chứng minh rõ ràng. Nó là thành phần chính trong nhiều loại thuốc kê đơn và không kê đơn, bao gồm thuốc đặc trị đau đầu như Excedrin.

"Bản thân caffein không phải thuốc giảm đau, nhưng khi kết hợp thuốc giảm đau, nó sẽ làm thuốc hiệu quả hơn" - GS Lipron giải thích.

Cơ chế này có thể liên quan đến cách caffein liên kết với các thụ thể adenosine trong não và tủy sống và ngăn chặn chúng.

Adenosine có liên quan đến sự giãn mạch, một cơ chế có thể gây đau đầu, cũng như vai trò phức tạp trong việc dẫn truyền cơn đau, trong khi caffein vừa ngăn chặn nó vừa giúp co mạch, nên làm dịu cơn đau.

Tuy nhiên, khả năng giảm đau đầu của caffein sẽ rất khác nhau ở mỗi người, thường phụ thuộc vào thói quen uống cà phê của người đó. Người thường xuyên uống nhiều cà phê, khiến cơ thể đã quá quen với caffein thì việc dùng thứ này để trị đau đầu sẽ kém hiệu quả hơn.

Ngược lại, cà phê vẫn có thể gây đau đầu và điều này xảy ra trong hai tình huống: Lỡ uống quá nhiều, hoặc ngược lại là người ghiền cà phê lại uống quá ít so với thói quen thông thường.

Tình huống thứ nhất khá dễ hiểu, thường được gọi là "say cà phê", do bạn dùng quá liều một chất gây kích thích não bộ, dù cơ chế chưa thật sự rõ ràng.

Tình huống thứ hai giống như một "hội chứng cai", bởi khi cơ thể uống cà phê thường xuyên, adenosine sẽ tăng lên để cân bằng lại với lượng caffein nạp vào hàng ngày. Đột ngột không có cà phê hoặc quá ít sẽ khiến não bạn không hoạt động bình thường, các mạch máu giãn ra và có thể gây đau đầu.

GS Lipron kết luận caffein chắc chắn là "con dao hai lưỡi": Nó là thức uống giúp cải thiện sức khỏe, tâm trạng, nâng cao năng suất, đôi khi giúp bạn giảm đau đầu. Nhưng như nhiều thứ khác, lạm dụng và phụ thuộc quá mức có thể gây rắc rối.

Có thể bạn quan tâm