Ngày 12-4, tại Phú Yên, Bộ Xây dựng đã chọn công trình hầm đường bộ Đèo Cả do Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả là công trình tiêu biểu để gắn biển nhằm chào mừng 60 năm truyền thống ngành xây dựng Việt Nam (29/4/1958 - 29/4/2018).
Hầm Đèo Cả là hầm đường bộ lớn thứ hai hiện nay trên đường thiên lý Bắc-Nam ở nước ta, sau hầm Hầm đường bộ Hải Vân.
Hầm có tổng chiều dài 13.190 mét, khởi đầu từ Km 1353+150 (quốc lộ 1A) ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) và kết thúc tại Km 1374+525 ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Trong đó, tuyến hầm Đèo Cả dài 4.125 mét, tuyến hầm Cổ Mã dài 500 mét và 8.565 mét đường dẫn. Mỗi tuyến đều có 2 đường hầm được thiết kế cách nhau 30 m, mỗi đường hầm rộng 9,75 mét, gồm hai làn xe cùng với dải an toàn và hành lang bảo dưỡng hầm, tốc độ thiết kế 80 km/giờ.
Được khởi công xây dựng vào năm 2012, sau hơn 4 năm nỗ lực qua nhiều thử thách, đầu tháng 9-2017 công trình đã hoàn tất, đưa vào khai thác trước thời hạn 4 tháng.
Với việc thông xe Hầm đường bộ Đèo Cả, ngoài đem lại lợi ích rất lớn về kinh tế, do rút ngắn được 8 km hành trình, giảm thời gian lưu thông khoảng 40 phút so với lộ trình vượt đèo, công trình còn mang lại ý nghĩa rất lớn trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông.
Chia sẻ về quá trình thi công dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả cho biết, với địa hình hiểm trở, địa chất phức tạp và thời tiết khắc nghiệt nên đơn vị thi công gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và sự hỗ trợ tận tình của địa phương cùng với sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên của toàn công ty, công trình đã xác định được hướng tuyến tối ưu với chiều dài hầm chỉ 4,3 km, thay vì 5,7 km như thiết kế ban đầu.
Từ việc nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế rút ngắn chiều dài hầm, dự án hầm đường bộ Đèo Cả đã giảm tổng mức đầu tư từ 15.603 tỷ đồng theo hồ sơ được duyệt ban đầu, xuống còn hơn 11.000 tỷ đồng, tiết kiệm được gần 4.000 tỷ đồng.
Số vốn “dư” này đã được Bộ Giao thông-vận tải điều chuyển đầu tư cho dự án xây dựng hầm đường bộ Cù Mông. Có thể xem đây là một điểm sáng đáng ghi nhận mà dự án hầm đường bộ Đèo Cả đã mang lại trong việc giảm chi ngân sách và nguồn lực cho quốc gia.
Trong ròng rã hơn 4 năm, hầu hết thời gian nhà đầu tư đều tổ chức thi công 3 ca liên tục, kể cả ngày lễ, tết để công trình về đích đúng tiến độ.
Để có được kết quả ấn tượng với việc đưa công trình vào hoạt động (trước thời hạn 1 năm) - ấn tượng từ một công trình giao thông đầu tiên đã tiết kiệm tới hơn 1.000 tỷ đồng (giảm 25% so với dự án ban đầu), Công ty cổ phần Đèo Cả đã thực hiện chính sách linh hoạt trong điều hành nhằm tạo thuận lợi tối đa cho nhà thầu thi công.
Theo đó, Công ty đã từng cho nhà thầu tạm ứng 40% vốn, đổi lại, họ phải có trách nhiệm, xem dự án như là của mình, hết mình vì dự án. Đồng thời, công ty đã dùng chính sách “bình ổn giá vật liệu”, giúp nhà thầu yên tâm với công việc mình đảm nhận, đồng thời sẵn sàng cho phép nhà thầu lấn sang hạng mục của đơn vị khác trên cùng một gói thầu, nếu như đơn vị đó thi công vượt tiến độ.
Trên tất cả các dự án mình đảm nhận, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả luôn tìm được tiếng nói chung, không chỉ trong nội bộ mà còn với các nhà thầu, đối tác... Ông Hồ Minh Hoàng cho rằng, chặng đường đã qua, là một sự rèn dũa và sàng lọc để phát triển tổ chức.
Chính vì vậy, đến hôm nay Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã trưởng thành và khẳng định được thương hiệu và vị thế của mình trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông.
Minh chứng cho vị thế đó chính là việc Công ty Cổ phần Đèo Cả đã được Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải giao cho thi công những công trình trọng điểm khác như dự án Bắc Giang-Lạng Sơn gồm 2 hợp phần là: Cải tạo 100 km Bắc Giang-Lạng Sơn và thi công đường cao tốc đoạn Chi Lăng-Hữu Nghị khoảng 50 km...
Đánh giá về lợi ích của công trình với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Phú Yên nói riêng và của cả nước nói chung, cũng như trách nhiệm và năng lực của nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư tỉnh ủy Phú Yên cho rằng, công trình đã giải quyết triệt để và hiệu quả vấn đề giảm thiểu tai nạn giao thông cho tuyến đường Bắc - Nam cũng như góp phần hiện đại hóa hệ thống giao thông của Việt Nam, từ đó tạo điều kiện cho phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh Phú Yên và các tỉnh miền Trung.
"Đặc biệt, với việc một doanh nghiệp đầu tư là một công ty tư nhân, trong đó toàn thể cán bộ, kỹ sư, công nhân là người Việt đã khẳng định năng lực và tâm huyết của người Việt Nam trong lĩnh vực giao thông và xây dựng đất nước", ông Huỳnh Tấn Việt khẳng định.
Nhận xét về công trình hầm Đèo Cả, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, khi đó là Phó Thủ tướng, cũng cho rằng, một trong những thành công nhất của dự án Hầm đường bộ Đèo Cả chính là đã tạo nên một thế hệ kỹ sư mới, một thế hệ nhà thầu trong nước, nhà đầu tư Việt Nam có thể đủ sức đảm nhận được các dự án hạ tầng có độ khó mà trước đây chỉ có thể là nhà thầu quốc tế đảm nhận.
Minh Thi/chinhphu.vn