Do nhận thức hạn chế, hoặc do ham giá rẻ, nhiều người tiêu dùng dù biết hàng cấm, hàng giả, kém chất lượng nhưng vẫn sẵn sàng rút ví mua trên mạng.
Hàng giả, hàng nhái đang "bao vây" người tiêu dùng trên mạng
Theo nguồn tin từ Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Rất nhiều website giả mạo doanh nghiệp có uy tín để cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa, dịch vụ lừa dối người tiêu dùng, thậm chí lợi dụng phương thức này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân.
Đáng chú ý, nhiều website, mạng xã hội, các tổ chức tài chính nước ngoài... đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nhưng chưa được kiểm soát đầy đủ, gây thất thu thuế, tạo cơ hội để thao túng hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam.
Hàng hóa, dịch vụ vi phạm chủ yếu là thuốc lá, xì gà, rượu ngoại, thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ tiện tử, phụ tùng ôtô, thời trang, hàng tiêu dùng, các dịch vụ thanh toán trong hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ quảng cáo trực tuyến, đặt vé máy bay, khách sạn, nhà hàng...
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhận định các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận. Các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát cũng như xác định chứng cứ để xử lý.
Với tính chất đặc thù của thương mại điện tử người mua và người bán không gặp mặt, chỉ giao tiếp trên môi trường mạng, các đối tượng đưa lên mạng là hình ảnh và thông tin của hàng thật nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái bản thân nhiều lúc khách hàng cũng khó phát hiện.
Thậm chí, do nhận thức, kĩ năng nhận biết của người tiêu dùng còn hạn chế, hoặc do nhu cầu, ham giá rẻ nên dù biết hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn mua.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển mạnh nhưng cũng tồn tại nhiều mặt trái
Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa theo kịp với sự phát triển, diễn biến ngoài thị trường, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng còn chưa kịp thời.
Trước thực trạng trên, nhằm hoàn thiện nội dung Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đang lấy ý kiến tham vấn các Bộ ngành liên quan để trình Trưởng Ban ký thông qua.
Theo dự thảo Kế hoạch, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý về lĩnh vực thương mại điện tử.
Kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Công an, các bộ, ngành chức năng sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, giải pháp kĩ thuật, tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra phát hiện xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật; chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu tác hại của việc sử dụng trang website, mạng xã hội để kinh doanh hàng hóa vi phạm pháp luật.
Bộ Công an tổ chức đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, tập trung điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, những vụ việc phức tạp, nổi cộm trong việc lợi dụng thương mại điện tử để vi phạm pháp luật…
Tùng Lê (TGTTO)