Sức khỏe

Hàm lượng caffeine trong trà xanh cao hơn trong cà phê?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thực chất hàm lượng caffeine có trong trà xanh cao hơn hàm lượng caffeine cà phê. Tuy nhiên trong trà xanh lại có chứa chất ức chế khiến người sử dụng cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi uống.


Caffeine là thành phần hoạt tính có thể tìm thấy trong một số loại hạt, trái cây... Đây là chất kích thích thần kinh phổ biến nhất trên thế giới. Nguồn cung cấp caffeine phổ biến thường là từ cà phê và trà.

 

 

Xét về hàm lượng caffeine trong lá trà cao hơn trong hạt cà phê. Tuy nhiên sau khi pha chế, lượng caffeine trong thức uống cà phê thường cao hơn trong thức uống trà.

TS.BS Lâm Vĩnh Niên - trưởng khoa dinh dưỡng - tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - chia sẻ




Hầu hết, mọi người cho rằng hàm lượng chất kích thích caffeine có trong cà phê cao hơn nhiều so với có trong trà xanh. Thực tế caffeine có trong lá trà xanh cao hơn trong hạt cà phê.

Lượng caffeine được tìm thấy trong lá trà (3,5%), lá trà mate (0,89-1,73%), hạt cà phê (1,1-2,2%).

Tuy nhiên, trà lại có chất ức chế caffeine nên uống thấy nhẹ nhàng hơn. Có thể thay bằng sencha hoặc matcha vẫn cảm thấy như uống trà tươi, nhưng 1 lít nước cũng chỉ cần 10gr trà.

Lưu ý là lượng caffeine khác nhau trong các thức uống. Tùy theo nguồn gốc nguyên liệu tạo ra trà, cà phê, quá trình xử lý và cách chế biến thì cũng ảnh hưởng đến hàm lượng caffeine tăng, giảm.

Theo tài liệu của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), lượng caffeine trong 210 ml thức uống cà phê là 65-175mg, còn trong trong thức uống trà là 30-70 mg.

Trong một nghiên cứu của khoa công nghệ thực phẩm và công nghệ sinh học, Đại học Zagreb, Croatia, trà trắng chứa caffeine cao nhất (4,55%) và chè mate thấp nhất (1,05%), caffeine màu xanh lá cây, đen và trà ô long từ 2,04% (trà xanh) đến 3,86% (trà đen).

TS.BS Lâm Vĩnh Niên cho biết ngoài caffeine (có tính kích thích tim và hệ hô hấp), trà còn chứa lượng nhỏ 2 alkaloid khác là theobromine và theophyllin lại có tính thư giãn cơ trơn, khiến cảm giác dễ thở hơn.

Bên cạnh đó, trà cũng chứa acid amin L-Theanine, một acid amin có tác dụng làm dịu não, tạo cảm giác thư giãn đối với hệ thần kinh trung ương.

Trong cà phê không chứa các chất này.

Không sử dụng quá 400mg caffeine đối với người lớn

Theo TS.BS Lâm Vĩnh Niên, lượng caffeine trong ngày không nên quá 400mg đối với người lớn. Phụ nữ có thai và đang cho con bú cần hỏi ý kiến chuyên gia y tế về việc dùng caffeine. Đối với trẻ em, Hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo không nên dùng các thức uống chứa chất kích thích đối với trẻ em và trẻ vị thành niên.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không xếp caffeine vào nhóm các chất gây nghiện. Đến nay vẫn không có dấu hiệu gì rõ ràng chứng minh caffeine nguy hại đến sức khỏe, ngay cả những trường hợp sử dụng thường xuyên caffein trong thời gian dài.

Tuy nhiên, việc dùng caffeine nhiều có thể dẫn tới phụ thuộc về tâm lý , trong trường hợp này mùi vị cà phê, khẩu vị người uống và truyền thống cũng đóng một vai trò quan trọng.



Hồng Phương (TTO)

Có thể bạn quan tâm