Kinh tế

Giá cả thị trường

Ham vé máy bay giá rẻ, khách dễ bị lừa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Gần đến cuối năm, nhiều khách hàng mua vé máy bay bị mất tiền do muốn sở hữu vé giá rẻ, với nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi.
Một hình ảnh thanh toán vé bằng thẻ visa giả từ Đài Loan, số tiền thanh toán tính bằng tiền đô la T.T
Một hình ảnh thanh toán vé bằng thẻ visa giả từ Đài Loan, số tiền thanh toán tính bằng tiền đô la T.T
Tiền mất mà không được bay
Chị Nguyễn Hồng Vân (nhà tại đường Võ Văn Ngân, Q.Thủ Đức, TP.HCM) vừa cho biết cách đây 2 tháng chị đặt vé máy bay qua một đại lý vé trên Facebook đi Hà Nội vào ngày 5.10 để ăn cưới bạn, với giá vé khứ hồi là 1.800.000 đồng. Đây là mức giá rẻ nhất so với các đại lý khác, nên chị Vân quyết định mua. Sau khi thanh toán, người bán gửi thông tin vé với đầy đủ tên, thời gian bay, chuyến bay, mã vé…
Đến ngày, chị Vân tới sân bay làm thủ tục thì tá hỏa khi nhân viên bảo vé đó là tên người khác chứ không phải tên chị Vân. Gọi điện cho người bán vé để hỏi thì máy tắt. Chị Vân bắt buộc phải mua vé khác để kịp đi trong ngày với giá đắt gấp đôi giá trước đó.
Một trường hợp khác, chị Đặng Thị Dung (ngụ chung cư Khang Phú, Q.Tân Phú, TP.HCM) có việc gấp phải ra Hà Nội ngày 12.10, nên ngày 11.10 chị lên mạng tìm vé giá rẻ. Sau khi hỏi đại lý vé, thấy mức giá đi gấp vậy mà chỉ có 1.500.000 đồng, rẻ hơn cả giá ghi trên trang web của hãng. Chị Dung quyết định chuyển tiền để mua. Sau đó, người bán gửi lại vé điện tử cho chị Dung.
Sáng hôm sau xách hành lý ra sân bay để làm thủ tục, chị Dung không tin vào tai mình khi nhân viên nói vé chị mua đã sử dụng thẻ visa giả. Chị Dung thanh minh mình mua vé qua đại lý trên Facebook, đã trả đầy đủ tiền nhưng vẫn bị lập biên bản và không được bay. Tất nhiên, điện thoại của kẻ lừa đảo bán vé cho chị Dung đang nằm ngoài vùng phủ sóng.
Trước khi mua, cần tìm hiểu kỹ
Chia sẻ về các chiêu lừa đảo này, anh Đặng Công Thời, chủ đại lý vé máy bay tại TP.HCM, cho biết: “Đa số khách hàng bị lừa là những người mua vé loại giá rẻ. Từ lúc mua vé đến lúc bay cách nhau khá xa. Đây chính là khoảng thời gian người bán 'ra tay' với khách hàng của mình bằng cách dùng vé đó để… bán lại cho người khác. Chỉ cần mất một khoản phí đổi tên, kẻ lừa đảo bán lại vé một cách dễ dàng. Một vé này có thể bán đi bán lại nhiều lần, chỉ người cuối cùng là có vé, còn những người trước đó chỉ đến khi ra sân bay làm thủ tục mới biết mình bị lừa”.
Thủ đoạn dùng thẻ visa giả, anh Võ Bá Trung Tín, chủ đại lý vé máy bay tại Biên Hòa, Đồng Nai, thông tin: “Lợi dụng lỗ hổng của hệ thống thanh toán, những kẻ lừa đảo mang danh đại lý đã mua vé bằng visa giả. Sau khi làm thủ tục thanh toán, hãng vẫn xuất vé điện tử cho kẻ lừa đảo này. Khách hàng của chúng vẫn nhận được vé thật. Thường lừa đảo kiểu này chỉ thực hiện được đối với những vé đi cận ngày, khi nhân viên hãng máy bay chưa kịp kiểm soát hệ thống. Có những khách hàng may mắn vẫn bay được, nhưng không ít khách hàng lên máy bay rồi vẫn bị lập biên bản khi sân bay phát hiện ra vé được thanh toán bằng thẻ giả”.
Theo anh Tín, sau khi được nhiều khách hàng phản ánh bị lừa, anh Tín kiểm tra vé thì thấy đa số các vé này đều được thanh toán bằng thẻ visa hoặc master ở Đài Loan, số điện thoại đăng ký trên vé cũng là số ở Đài Loan.
“Chính vì thế, trên các fanpage của các hội bán vé máy bay, chúng tôi cảnh báo khách hàng rất nhiều. Khách hàng không nên vì ham giá rẻ mà chấp nhận chuyển tiền mua vé cho những đại lý vé trên Facebook chưa được kiểm tra độ tin cậy. Nên chọn những đại lý có địa chỉ cụ thể, rõ ràng, hoặc tốt nhất là vào những hội bán vé máy bay để nhờ xác minh”, anh Võ Bá Trung Tín đưa ra lời khuyên.
Anh Đặng Công Thời lưu ý khách hàng thời gian này nhiều người muốn mua vé tết giá rẻ, nên càng dễ bị lừa. “Vé tết lúc này nếu mua trực tiếp từ trang web của các hãng thì giá rất cao, ai không biết, tưởng đại lý có thể mua được giá rẻ hơn nhiều, vậy là mắc bẫy của chúng. Thời gian từ nay đến tết còn xa, chúng có thể dùng vé đó bán lại cho nhiều người khác bằng cách đổi tên, hoặc hoàn vé để lấy tiền”.
Mỹ Uyên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm