Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Hạn hán hoành hành khắp nơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nắng nóng gay gắt kéo dài trong những ngày qua đã khiến nhiều tỉnh gặp hạn nặng, cây trồng dần chết khô, còn người dân thì... khát.
Tại Phú Yên, nhiều sông, suối đã khô cạn, không còn nước để người dân sinh hoạt. Nhiều diện tích cây trồng chết dần hoặc bỏ hoang vì không thể xuống giống. Ông Đào Duy Linh- Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa- cho biết toàn bộ diện tích mía trồng mới và trồng lại trên địa bàn huyện bị thiệt hại hơn 20%. Tại huyện Sông Hinh, 1.700 ha mía cũng đang trong tình trạng “nắng hạn chờ mưa”.
Chắt từng giọt nước bẩn để giải cơn khát
Người dân cũng đang... chết khát. Khu giãn dân Suối Cối 2, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) có 4 giếng đào nhưng tất cả gần như cạn kiệt. Cả làng hiện chỉ trông chờ vào các vũng nước bẩn mà cũng không đủ để uống, nói gì đến chuyện tắm giặt. Ông La O Tranh (62 tuổi) than phiền: “Bà con biết những vũng nước này rất bẩn nhưng cũng phải uống thôi, nếu không thì chết khát”.
Ông Trần Ngọc Danh- Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Phú Yên- dự báo trong vòng 10 ngày tới, Phú Yên chỉ có mưa giông rải rác tại một số địa phương, không có mưa trên diện rộng; nắng nóng tiếp tục kéo dài đến tháng 8-2010.
Tại Quảng Ngãi, ông Đào Minh Hường- Phó giám đốc Sở NN-PTNN Quảng Ngãi- cho biết, hiện hầu hết nguồn nước các hồ, đập trong tỉnh đều giảm từ 40-60% so với công suất thiết kế. Trong đó, công trình thủy lợi Thạch Nham- công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh- chưa có năm nào mực nước lại xuống thấp như năm nay. Đến chiều 21-5, mực nước đã thấp hơn bờ tràn gần 1 mét nên tốc độ dòng chảy rất chậm, chỉ còn gần 30 mét khối/giây.
Nguồn nước đổ ải để gieo sạ vụ hè thu thiếu nghiêm trọng khiến hàng ngàn nông dân lo lắng. Theo kế hoạch, vụ hè thu 2010, Quảng Ngãi gieo sạ hơn 31.700 ha với lịch thời vụ từ ngày 20-5 đến 10-6. Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày mở nước, cả tỉnh mới chỉ có 5.000 ha ruộng được đổ ải.
Tại Bình Định, những ngày qua thời tiết nắng nóng, nhất là ở các huyện phía Bắc và các huyện miền núi, nhiệt độ buổi trưa giao động từ 38-39 độ C. Nắng nóng tác động xấu đến sức khỏe, sản xuất của người dân. Tại các bệnh viện, bệnh nhân cao tuổi và trẻ em tăng đột biến. Bà con nông dân đang hết sức lo lắng bởi lượng nước tại các hồ chứa giảm mạnh.
Ông Phan Trọng Hổ- Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định- cho biết nắng nóng kéo dài làm mực nước các hồ chứa trên địa bàn đang xuống thấp, chỉ còn 350 triệu m3/550 triệu m3 tổng dung tích thiết kế. Tình trạng thiếu nước đã xảy ra cục bộ với hơn 2.000 ha cây trồng tập trung chủ yếu ở các huyện: Tuy Phước, Phù Cát và Phù Mỹ.
Tại Ninh Thuận, theo ông Nguyễn Tin- Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT Ninh Thuận)- tình hình nắng hạn thiếu nước ở tỉnh này bắt đầu gay gắt. Hiện nay các hồ chứa của Ninh Thuận là hồ CK7, Tân Giang, Nước Ngọt, Ông Kinh, Sông Châu lượng nước tụt rất nhanh. Ngành nông nghiệp tỉnh đã tạm không cho bà con lấy nước sản xuất để dành nước cho sinh hoạt và cứu gia súc khi nắng lên đỉnh điểm và thiếu nước như năm 2005.
UBND tỉnh Ninh Thuận đã có thỏa thuận với Tập đoàn EVN, chỉ cho Nhà máy thủy điện Đa Nhim xả nước ở mức 16m3/giây; nhằm tích nước dự trữ cho mùa khô hạn này.
Tại Bình Thuận, tình hình thiếu nước sinh hoạt ở một số nơi bắt đầu gay gắt. Chỉ tính riêng thị trấn Thuận Nam, bao gồm các các cơ quan hành chính của huyện hiện nay phải dùng nước từ giếng khoan. Nhiều người dân phải đi mua nước sinh hoạt do khoan phải nguồn nước mặn. Đáng chú ý là hiện nay có hàng nghìn héc-ta thanh long bị nắng cháy. Nhiều người dân phải dùng biện pháp là vặt quả bỏ đi để cho cây sống qua mùa hạn.
Phó chủ tịch UBND H.Hàm Tân Lê Ngọc Lộc cho biết hiện nay bà con các xã Tân Phúc, Tân Đức và thị trấn Tân Minh phải vào tận Đồng Nai mua nước về sinh hoạt với giá tiền 70.000 đ/m3.
Tại Bà Rịa- Vũng Tàu nắng hạn kéo dài đã làm chết nhiều diện tích cây cao su, cà phê. Nông trường cao su Cù Bị, H.Châu Đức có rất nhiều cao su chết khô và một số cây úa vàng. Ông Nguyễn Đăng Thanh- Giám đốc Nông trường cao su Bà Rịa- than: “Nắng hạn kéo dài nên hai tuần qua đã có đến hơn 430 cây cao su từ 1 đến 5 năm tuổi chết rải rác khắp nơi; có hơn 30% cây cao su đang trong giai đoạn héo lá chờ chết. Nếu nắng nóng kéo dài thêm một tuần nữa thì số cây cao su chết nhiều hơn”. Ông Thanh cho biết có những cây cao su trồng từ năm 2005, trong tháng 10-2010 sẽ lấy mủ nhưng giờ đang chết dần. Ông Đinh Ngọc Ánh- Trưởng ban kỹ thuật Nông trường cao su Cù Bị, nói nắng nóng đã làm cho lượng mủ giảm từ 20%- 30%.
Theo TNO

Có thể bạn quan tâm