Kinh tế

Giá cả thị trường

Hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa, đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, các chế tài xử lý vi phạm vẫn chưa được hoàn thiện. Đây là những vấn đề được nêu lên tại diễn đàn “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp” do Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội ngày 26-11.
Khó ngăn chặn hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT (Bộ Công Thương) cho biết, nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều xu hướng mới, tinh vi hơn, chuyên nghiệp hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.
 
Nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi hơn.
Đặc biệt, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó với các cơ quan chức năng. Để trốn tránh kiểm tra, kiểm soát, các đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh phụ kiện, đầu mối chuyên sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả.
Thậm chí hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Tiếp đó, thành phẩm sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ...
Ngoài ra, tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT thông qua mạng Internet cũng ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp.
Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho thấy, với sự nở rộ của các sàn thương mại điện tử (TMĐT), lượng người tham gia mua sắm trực tuyến tại Việt Nam ngày càng tăng chóng mặt.
Cùng với tăng trưởng vượt bậc của TMĐT, vi phạm trong lĩnh vực này cũng diễn ra mạnh mẽ. Các nhóm mặt hàng như: đồ điện tử, công nghệ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ dùng gia đình… bị làm giả rất nhiều. Ví dụ gần nhất là vụ phát hiện 3 website bán điện thoại Samsung nhái giá rẻ vừa qua. Bên cạnh đó, hàng cấm cũng xuất hiện rất nhiều trên các website TMĐT.
 Ngoài ra, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo xuất xứ hiện gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Nếu cơ quan thực thi không có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng thì việc phát hiện vi phạm là rất khó khăn, đặc biệt là hàng nhập lậu sau khi đã được đưa qua các đường mòn, lối mở…
“Khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo xuất xứ thường trà trộn với hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng nên việc phát hiện vi phạm rất khó khăn. Đối với hàng hóa giả mạo xuất xứ không có doanh nghiệp chủ thể quyền rõ ràng như: hàng nông sản, hàng hóa nguyên liệu, hàng hóa giả mạo doanh nghiệp, địa chỉ không có thật… thì càng khó xử lý”, ông Hoàng Ánh Dương nói.
Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe
Theo Thượng tá Đỗ Đức Tạo, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), hàng giả, hàng nhái và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ luôn song hành.
 
Tại diễn đàn, Thượng tá Đỗ Đức Tạo cũng nêu bất cập trong việc xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT hiện nay.
Cụ thể, Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 có quy định chi tiết về “quy mô thương mại”, “gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý” nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là “quy mô thương mại” và “tiêu chí, cách thức đánh giá, xác định mức thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý”.
Để phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam hiệu quả hơn trong thời gian tới, theo Thượng tá Đỗ Đức Tạo, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với nhau.
Theo đó, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử các điều khoản liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ quy định trong Bộ luật Hình sự; hướng dẫn xử lý hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo hướng cơ quan điều tra được ra quyết định khởi tố vụ án khi không có yêu cầu của bị hại.
Ngoài ra, lực lượng QLTT cần đổi mới phương pháp thu thập thông tin, thống kê, phân loại các chủng loại mặt hàng kinh doanh trên địa bàn (khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại,...), từ đó rà soát, sàng lọc các đối tượng, mặt hàng, các nhãn hiệu có nguy cơ bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ giám sát, ngăn chặn phù hợp.
Đặc biệt, tập trung nguồn lực, chủ động phối hợp để triển khai các chuyên đề trọng điểm, nổi cộm nhằm tạo được hiệu ứng tích cực trên thị trường (nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, hàng hoá may mặc, mặt hàng tiêu dùng gia dụng thiết yếu,...).
Trong môi trường mạng Internet, cần tuyên truyền, vận động người tiêu dùng tham gia mua sắm qua ứng dụng thương mại điện tử tại các trang, ứng dụng, sàn thương mại điện tử uy tín, đã được thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra 141.000 vụ, phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước 430 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ, chuyển hồ sơ 107 vụ cho cơ quan Công an, trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ đang điều tra, xử lý.

Lưu Hiệp (Công an nhân dân Online)

Có thể bạn quan tâm