Kinh tế

Giá cả thị trường

Hàng giả và "quả bóng trách nhiệm"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Lời qua tiếng lại” của hai vị đứng đầu ngành Công thương và QLTT cho thấy “quả bóng trách nhiệm” đang được “đá đi đá lại” dù đó là “sân nội bộ” của ngành thuộc địa phương này.
 
Nhiều sản phẩm tại Cửa hàng mua sắm ASEAN và Thương trường Quốc tế Hồng Nguyên không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc có giá niêm yết gần 100 tỷ đồng. Ảnh: Vietnamnet.
Mới đây, Bộ Công an phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp kiểm tra hai địa điểm mua sắm lớn bậc nhất TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh là Cửa hàng mua sắm ASEAN và Thương trường Quốc tế Hồng Nguyên.
Đáng chú ý, tại thời điểm kiểm tra có nhiều mặt hàng được bày bán nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Tổng giá trị số hàng hóa bị niêm phong, thu giữ lên tới khoảng 100 tỷ đồng.
“Tổng hành dinh” hàng giả
Được biết, cửa hàng mua sắm ASEAN thuộc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Bảo Hưng. Còn Thương trường Quốc tế Hồng Nguyên được biết đến là Trung tâm mua sắm chuyên kinh doanh chuỗi Tour du lịch 0 đồng có lượng khách rất lớn tại TP. Móng Cái.
Nhiều mặt hàng được bày bán như thuốc, mỹ phẩm, vàng bạc trang sức, đồ mỹ nghệ. Đặc biệt là đồng hồ, kính mắt, túi xách của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, Louis Vuiton, Rolex, Omega… có giá bán từ vài trăm ngàn đồng tới vài trăm triệu đồng.
Sau khi kiểm tra bước đầu có thể thấy, nghi vấn hầu hết hàng hóa đều có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các thương hiệu nổi tiếng là những mặt hàng rất phổ biến về thời trang, đồng hồ, kính mắt, ngoài ra còn cả các mặt hàng khác như mỹ phẩm, giầy dép, trang sức
“Choáng” với cái sự đắt đỏ của hàng hiệu được nhái tinh vi đó là giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng/sản phẩm. Một cán bộ Tổng cục QLTT tham gia buổi kiểm tra cho biết: “Đồng hồ Patek Phillipe tại đây được bán với giá 400 triệu đồng. Tuy nhiên, hình ảnh được chụp và gửi đến chuyên gia thẩm định của hãng thì được khẳng định đây là hàng giả”.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, nửa đầu năm 2019, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 2.278 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trị giá hàng hóa vi phạm trên 16,8 tỷ đồng. Trong số gần 2.300 vụ vi phạm bị phát hiện trong nửa đầu năm 2019 thì xử lý hình sự được 28 vụ với 36 đối tượng, xử lý hành chính 2.346 trường hợp. 
So với cùng kỳ, số lượng vụ vi phạm đã tăng 110%, nhưng giảm 17% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giải thích thêm việc số lượng vụ vi phạm tăng đột biến, Ban chỉ đạo 389 Quảng Ninh cho hay, là do các đối tượng thay vì tập trung thực hiện những chuyến buôn lậu lớn thì đã chia nhỏ khối lượng và giá trị hàng hóa ra để vận chuyển.
Mặt khác, trong năm nửa đầu năm 2019, lực lượng quản lý thị trường đã ra quân kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại nhiều điểm kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Riêng số lượng các vụ việc do lực lượng quản lý thị trường phát hiện được đã chiếm đến 77,3% tổng số vụ.
Có thể nói, với người tiêu dùng, một số hàng nhái là túi xách, quần áo, phụ kiện thời trang có thể không gây hại trực tiếp. Ngược lại, một số sản phẩm nhái kém chất lượng, nếu sử dụng có thể mang đến hậu quả khôn lường cho người sử dụng, đặc biệt là dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm…
Chế tài chưa đủ mạnh
Với thực trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng lớn và diễn biến phức tạp, tuy nhiên, chế tài cho các hành vi này được các chuyên gia đánh giá là vẫn còn quá nhẹ.
Cụ thể: Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP có nêu: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 30 triệu đồng với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 50 triệu đồng với hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng.
Mức phạt này tăng gấp đôi với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả là thực phẩm, lương thực, thuốc phòng/chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, giống cây trồng/vật nuôi, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, mũ bảo hiểm… Ngoài bị phạt tiền, những đối tượng vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và buộc khắc phục hậu quả.
Tùy tính chất, mức độ, loại hàng hóa vi phạm, hành vi buôn bán hàng nhái còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 1999 (BLHS 1999) với khung hình phạt thấp nhất là 06 tháng tù và cao nhất là 15 năm tù..v..v.
Nhiều quốc gia phát triển có hình thức xử phạt nghiêm đối với người mua hàng. Ví dụ như ở Pháp, trong quá trình làm thủ tục tại sân bay nếu phát hiện du khách sử dụng hàng giả, hải quan Pháp sẽ tịch thu sản phẩm, xử phạt du khách số tiền gấp đôi trị giá sản phẩm thật, thậm chí du khách đối diện với án phạt tù.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Phải nói rằng, nhu cầu dùng hàng “xịn”, hàng tốt là nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng. Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế để mua hàng chính hãng, bởi các mặt hàng này thường có mức giá khá cao so với thu nhập của phần đông người dân. Đó chính là lý do khiến các mặt hàng nhái tung hoành trên thị trường, phổ biến nhất là các mặt hàng tiêu dùng như quần áo, túi xách, giày dép, đồng hồ, mỹ phẩm…
Theo đó, tình trạng làm hàng giả, hàng nhái ở khu vực vùng biên, cửa khẩu càng lớn. Từ đây, các “tổng hành dinh” của hàng nhái, giả được phân phối đi thị trường khắp cả nước bằng nhiều cách như: trực tiếp cá nhân người tiêu dùng, chợ đầu mối, trung tâm thương mại… Trong đó, một số chợ, trung tâm thương mại như: Saigon Square, An Đông Plaza, SC Vivo City, chợ Bến Thành, chợ Nga..v..v đã từng bị Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh kiểm tra, xử phạt là minh chứng cho điều đó.
Nó nhức nhối đến nỗi, từ chuyện hai cửa hàng, trung tâm thương mại lớn ở TP. Móng Cái lưu hành hàng giả, hàng nhái khối lượng lớn, vị chuyên trách lĩnh vực QLTT địa phương này cho biết “chuyện làm hàng giả đã trở thành cái nghiệp của họ (người làm giả) nên cứ phát hiện vi phạm, xử phạt rồi họ tiếp tục vi phạm tiếp”.
Chưa dừng lại ở đó, dư luận cũng không đồng tình với việc đổ lỗi, đẩy trách nhiệm của vị Cục phó khi ông nói việc kiểm tra, phát hiện thường xuyên nhưng vẫn gặp khó khăn là do cán bộ không có lĩnh vực chuyên môn về việc thẩm định hàng giả - hàng thật. "Khi chúng tôi kiểm tra phải nhờ đơn vị thẩm định vào cuộc mới có thể quyết định được đó là hàng thật hay hàng giả, còn nếu nhìn bằng mắt thường, người không có chuyên môn không thể phát hiện được" - ông Nguyễn Văn Thoại , Cục phó Cục QLTT Quảng Ninh nói.
Đáp lại lời người chuyên trách lĩnh vực QLTT, bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh cho biết “việc quản lý hàng hóa thuộc trách nhiệm của phía QLTT, ngành Công thương không tham gia vào lĩnh vực này”.
Như vậy, “lời qua tiếng lại” của hai vị đứng đầu ngành Công thương và QLTT, mà QLTT chỉ là một đơn vị trực thuộc ngành Công thương đã cho thấy “quả bóng trách nhiệm” đang được “đá đi đá lại” dù đó là “sân nội bộ” của ngành thuộc địa phương này. Hơn nữa, việc đích thân Bộ Công an và Tổng cục QLTT tiến hành kiểm tra hai cơ sở lớn này, mà không phải cơ quan chuyên trách của địa phương đã phần nào nói lên tính phức tạp, nhạy cảm của vấn đề.
Có thể nói, chống hàng giả, hàng lậu là một cuộc chiến lâu dài, bền bỉ. Nên rất cần sự vào cuộc, phối hợp của nhiều cơ quan, ban/ngành, lực lượng chuyên trách, trong đó trách nhiệm trước tiên phải thuộc về cấp địa phương có thẩm quyền. Chỉ cần tồn tại tư tưởng “cha chung không ai khóc”; “hàng anh hàng tôi” như hai cơ quan QLTT và Công thương của Quảng Ninh đang “đá bóng” như trên thì hậu quả, thiệt thòi đổ hết đầu người dân.
Sông Hàn (Diễn đàn Doanh nghiệp)

Có thể bạn quan tâm