Kinh tế

Giá cả thị trường

Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu: Gia tăng và diễn biến phức tạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tình trạng giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ tại Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, không chỉ gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng khi mua phải hàng kém chất lượng. Vì vậy, lực lượng Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh Gia Lai đang quyết liệt xử lý hành vi vi phạm này.

 

Những tháng cuối năm 2019, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với số lượng và quy mô lớn. Gần đây nhất, vào ngày 7-11, Đội QLTT số 1 (thuộc Cục QLTT tỉnh) đã kiểm tra đột xuất kho chứa hàng của ông Nguyễn Văn Chiến tại địa chỉ 289 Lê Đại Hành, phường Đống Đa, TP. Pleiku. Tại đây, đoàn kiểm tra đã tạm giữ 11.718 lốc giấy vệ sinh (mỗi lốc 6 cuộn) có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu tổng thể thuộc sở hữu của Công ty TNHH một thành viên Orchid Phú Quý đang được bảo hộ tại Việt Nam. Ông Nguyễn Đức Tuấn-Đội trưởng Đội QLTT số 1-cho biết: Đây là vụ phát hiện và thu giữ mặt hàng giấy vệ sinh lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, đơn vị đang tiếp tục làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

 Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện mặt hàng giấy vệ sinh có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu tổng thể thuộc sở hữu của Công ty TNHH một thành viên Orchid Phú Quý đang được bảo hộ tại Việt Nam. Ảnh: V.T
Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện mặt hàng giấy vệ sinh có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu tổng thể thuộc sở hữu của Công ty TNHH một thành viên Orchid Phú Quý đang được bảo hộ tại Việt Nam. Ảnh: V.T



Trước đó, trên cơ sở đề nghị của Cục QLTT Gia Lai, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ký quyết định xử phạt Công ty TNHH một thành viên Đăng Hoàng (88 Trần Phú, TP. Pleiku) 90 triệu đồng về hành vi bán hàng giả mạo nhãn hiệu. Cụ thể, qua kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện công ty này đang kinh doanh 10.368 chi tiết phụ tùng xe máy và 312 chai dầu nhờn giả mạo nhãn hiệu Honda, 1.459 chi tiết phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu Yamaha.

Theo ông Lê Hồng Hà-quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, mặc dù đơn vị đã có nhiều biện pháp như tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên thị trường nhưng tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, mức độ vi phạm lớn. Hàng hóa vi phạm kể cả đối với nhãn hiệu trong nước và nước ngoài, chủ yếu là thực phẩm, hàng điện tử, đồ gia dụng, quần áo… Cũng theo ông Hà, tình trạng giả mạo nhãn hiệu tinh vi đến mức dễ dàng qua mặt người tiêu dùng. Điển hình như lô giấy vệ sinh tại kho chứa của ông Nguyễn Văn Chiến, qua kiểm tra, so sánh với nhãn hiệu “SilkyLive” đang được bảo hộ tại Việt Nam, mặc dù trên nhãn hiệu “Sillky Lavie” có thêm 2 ký tự “l” “a”, nhưng không tạo nên sự khác biệt, tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “SilkyLive”.

Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT tỉnh đã phát hiện và xử lý hơn 20 vụ vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ với trị giá hàng hóa vi phạm lên đến hàng trăm triệu đồng. Nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ luôn là nguy cơ đe dọa trực tiếp tới sức khỏe, gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng. Tình trạng mua bán hàng nhái nhãn hiệu đang diễn ra rất phổ biến, len lỏi từ thành thị đến nông thôn dưới hình thức mua bán trực tiếp hoặc online khiến nhiều người tiêu dùng khá lo lắng. Anh Vũ Văn Việt (thôn 4, xã Trà Đa, TP. Pleiku) cho biết: “Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đưa tin rất nhiều về các vụ hàng giả nhãn hiệu từ thực phẩm chức năng, bột ngọt đến rượu, nước giải khát… Việc bán các loại thực phẩm giả mạo nhãn hiệu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng. Do đó, tôi chỉ tin tưởng mua sản phẩm tại siêu thị hoặc cửa hàng có uy tín”.

Nhận định về nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng của tình trạng giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, quyền Cục trưởng Cục QLTT Gia Lai cho rằng, do thị hiếu của người tiêu dùng là lúc nào cũng muốn sử dụng hàng hóa có nhãn hiệu nổi tiếng nhưng giá phải rẻ. Bên cạnh đó, việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mang lại lợi nhuận lớn. Vì vậy, nhiều cá nhân, doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế sẵn sàng làm nhái những hàng hóa có thương hiệu để trục lợi, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng.

Thời điểm cuối năm, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng, đặc biệt là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, lực lượng QLTT đang tích cực tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường. “Để hạn chế tình trạng này, lực lượng QLTT đang đẩy mạnh tuyên truyền cho người buôn bán nhận thức rõ những tác hại khi kinh doanh sản phẩm giả nhãn hiệu. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp thường xuyên với các cơ quan chức năng và chủ sở hữu quyền kịp thời xử lý những hành vi mua bán, sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”-ông Hà cho biết thêm.

VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm