(GLO)- Nhiều người hiếu kỳ đổ xô đến làng Lương Quán, phường Thủy Biều, TP. Huế để xem những cây nấm lạ, màu vàng nhạt với hình thù to lớn khác thường mọc trên đất xung quanh gốc cây bưởi Thanh Trà. Một điểm đặc biệt là loài nấm này xuất hiện từ rễ cây thanh trà và ngoi lên mặt đất thì phát triển rất nhanh. Sau khi nấm tàn, ở phần rễ cây thanh trà xuất hiện những khối u tổn thương, phải đào lên chặt bỏ.
Nấm có màu vàng nhạt, hình thù to lớn khác thường mọc đầy xung quanh những gốc cây Thanh Trà tại phường Thủy Biều, TP. Huế. Ảnh: Bùi Oanh |
Sáng 20-1, ghi nhận của phóng viên Báo Gia Lai điện tử có mặt tại một số vườn trồng cây Thanh Trà hơn 10 năm tuổi tại làng Lương Quán cho thấy, những cây nấm lạ, màu vàng nhạt với hình thù to lớn khác thường mọc trên đất xung quanh gốc cây bưởi Thanh Trà, cuống nấm to bằng nửa cổ tay, tai nấm đường kính 10-35 cm. Nhiều cây lớn bắt đầu phân hủy, tai nấm mốc meo, trong khi nấm nhỏ đang phát triển mọc ngày càng nhiều.
Ông Đặng Văn Hùng (45 tuổi) làng Lương Quán cho biết, loài nấm lạ này xuất hiện cách đây khoảng 3 năm trở lại. Ban đầu nó xuất hiện rải rác ở vườn Thanh Trà ông Đăng Mau sau đó lan dần về phía hạ lưu với các vườn thanh trà khác. Tương tự, ông Đặng Văn Ngân, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Biều cho hay, loài nấm này chỉ mới xuất hiện tại 3 khu vực trong phường. Hiện chưa xác định được đây là loài nấm gì nhưng đến thời điểm hiện tại, loại nấm này chưa ảnh hưởng đến đời sống bà con trong phường. Trước mắt, UBND phường khuyến cáo bà con không nên hái, sử dụng loại nấm này. Nếu nấm tồn tại thời gian dài, địa phương sẽ kiến nghị lên Chi cục Bảo vệ Thực vật để tìm hướng giải quyết.
Cây nấm trưởng thành, tai to lớn hơn một chiếc mũ bảo hiểm. Ảnh: Bùi Oanh |
Quan sát hình thù và màu sắc ban đầu từ những cây nấm mọc ở làng Lương Quán, PGS.TS Ngô Anh đang công tác tại khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Huế cho rằng, đây là loài nấm thuộc chi Boletus. Các bào tử phát tán trong không khí và đất, đến khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ mọc thành cây. Thường mọc vào mùa đông, mọc phổ bến trên các rừng thông, vùng đất ấm. Nấm mọc độ 2-3 ngày thì tàn. Đây chỉ là một trong số hàng trăm loài nấm thuộc chi Boletus. Cũng theo PGS.TS Ngô Anh, muốn biết loài nấm này có độc hay không, cần phải nghiên cứu xác định loài, phân tích cấu trúc mới có thể biết được. Trước mắt, người dân không nên ăn loài nấm lạ chưa rõ nguồn gốc này.
Bùi Oanh