Xã hội

Đời sống

Hàng trăm căn nhà bị tốc mái, hư hỏng do bão số 3

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mưa to, gió lớn do ảnh hưởng của bão số 3 đã khiến 108 căn nhà ở Yên Bái bị hư hỏng, nhiều cột điện, cây xanh bị gãy đổ.

Do ảnh hưởng của bão số 3, từ đêm 6 đến sáng 7-9, các khu vực trên địa bàn tỉnh Yên Bái có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa mưa to, lượng mưa phổ biến từ 5 - 30 mm, có nơi cao hơn 50 mm như: Thị trấn Mù Cang Chải 63,2 mm; Cao Phạ 60,8 mm; Xà Hồ 51,4 mm...

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, mưa và gió lớn đã làm 108 ngôi nhà tại huyện Trấn Yên, Văn Chấn và Văn Yên bị tốc mái, hư hỏng, nhiều cây xanh, cột điện, biển báo trên các tuyến đường bị gãy đổ, mưa gió còn làm gần 77,5 ha diện tích nông nghiệp bị thiệt hại.

Hàng trăm nhà dân ở tỉnh Yên Bái bị hư hỏng do ảnh hưởng của bão số 3. Ảnh: Facebook

Hàng trăm nhà dân ở tỉnh Yên Bái bị hư hỏng do ảnh hưởng của bão số 3. Ảnh: Facebook

Nhận được tin báo, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã kiểm tra và huy động lực lượng tại chỗ tham gia giúp đỡ khắc phục hậu quả thiên tai cho các hộ gia đình bị thiệt hại, tổ chức thu dọn cây xanh bị gãy đổ trên tuyến đường đảm bảo an toàn giao thông.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại các huyện, thị xã, thành phố, qua rà soát, hiện trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái có trên 7.880 hộ nằm trong vùng nguy cơ thiên tai; trong đó có 4.054 hộ sống trong vùng nguy cơ sạt lở đất; 119 hộ sống trong vùng nguy cơ sạt lở bờ sông, suối, bể chứa thải; vùng hạ du hồ đập; 621 hộ sống trong vùng nguy cơ lũ quét; 3.087 hộ sống trong vùng nguy cơ ngập lụt.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của bão số 3 đang diễn ra, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái yêu cầu các địa phương, đơn vị cần thực hiện nghiêm các công điện, công văn chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để khẩn trương triển khai ứng phó với bão; tăng cường công tác tuyên truyền người dân không chủ quan, lơ là trước mưa bão…

Các địa phương cần theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết mưa lớn, cảnh báo ngập lụt, sạt lở đất đá, lũ quét để chủ động thiện các phương án di dời dân đến nơi an toàn, đặc biệt là các hộ trong vùng nguy cơ cao.

Bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.

Theo Như Quỳnh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm