Kinh tế

Giá cả thị trường

Hàng Việt 'đi' châu Âu bằng EVFTA từ 1-8

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) xuất khẩu sang thị trường EU từ Hiệp định EVFTA sẽ được thực hiện từ 1-8-2020 bởi các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi do Bộ Công thương ủy quyền.
 
Dệt may, da giày, đồ gỗ là những mặt hàng được kỳ vọng tăng trưởng mạnh từ hiệu quả cắt bỏ thuế quan do EVFTA mang lại - Ảnh: T.V.N
Bộ Công thương cho biết vừa ban hành Thông tư quy định quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA), cơ sở pháp lý quan trọng để hàng hóa xuất khẩu đi EU được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực
Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được cấp C/O mẫu EUR.1 và hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA.
Việc cấp C/O mẫu EUR.1 cho hàng hóa xuất khẩu đi EU theo EVFTA được thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi do Bộ Công thương ủy quyền.
Theo Bộ Công thương, so với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang tham gia, như các FTA của ASEAN với các nước đối tác hay các FTA song phương, quy tắc xuất xứ trong EVFTA có nhiều điểm mới và phức tạp hơn, cả về cách diễn đạt tiêu chí và các quy định kèm theo.
Một số mặt hàng như dệt may, mực và bạch tuộc chế biến được phép cộng gộp xuất xứ với nguyên liệu từ nước không phải thành viên Hiệp định, cơ chế chứng nhận và xác minh xuất xứ hàng hóa xuất xứ, chia nhỏ hàng hóa ở nước thứ ba ngoài Hiệp định, điều khoản đặc biệt về lãnh thổ… được xem là những điểm mới trong Hiệp định EVFTA.
Ngoài ra theo quy định tại Hiệp định EVFTA, vào ngày EVFTA có hiệu lực, hàng hóa đang ở tại một nước thành viên hoặc trong quá trình vận chuyển, lưu kho tạm thời, trong kho ngoại quan hoặc trong khu phi thuế quan có thể được hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định với điều kiện nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ phát hành sau cho cơ quan hải quan nước thành viên nhập khẩu.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, khi đi vào thực thi EVFTA, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với lúc không có hiệp định.
Trao đổi thương mại song phương Việt Nam - EU28 đã tăng gần 13,8 lần, từ mức 4,1 tỉ USD năm 2000 lên 56,45 tỉ USD năm 2019. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU28 tăng gần 15 lần, từ 2,8 tỉ USD lên 41,54 tỉ USD.
EU28 là thị trường mà Việt Nam ở vị thế xuất siêu, với mức thặng dư thương mại năm 2019 đạt 26,63 tỉ USD.
TRẦN VŨ NGHI (TTO)

Có thể bạn quan tâm