Kinh tế

Giá cả thị trường

Hàng Việt khẳng định ưu thế trên sân nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng Việt Nam chất lượng cao đã khẳng định ưu thế tại thị trường trong nước. Nhiều nhà sản xuất đã quan tâm đến việc xây dựng mạng lưới bán lẻ, đưa hàng Việt về nông thôn, các chương trình khuyến mãi, hậu mãi... giúp người dân dễ dàng tiếp cận với sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp.

Các nhà sản xuất, phân phối hàng trong nước luôn có những chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Vũ Thảo
Các nhà sản xuất, phân phối hàng trong nước luôn có những chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Vũ Thảo

Hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh như VinMart, VinMart+, Co.op Mart đang triển khai các chương trình ưu đãi, giảm giá sâu lên đến 50% đối với tất cả các mặt hàng Việt. Đây là cơ hội để người tiêu dùng mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước với chi phí tiết kiệm nhất. Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho hay: Trong số hơn 60.000 mặt hàng đang bày bán tại Siêu thị thì hàng Việt chiếm đến 95%, đa phần là hàng Việt Nam chất lượng cao. “Ngoài ra, Siêu thị luôn có chính sách hỗ trợ về diện tích trưng bày cũng như làm chương trình cho các nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng Việt. Đồng thời, hàng năm, chúng tôi còn có chương trình đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa”-bà Thy cho biết.

Bên cạnh hệ thống phân phối lớn, hàng Việt đã phủ sóng từ cửa hàng nhỏ đến các chợ dân sinh. Bà Lê Thị Hồng Vinh-chủ cửa hàng tạp hóa 112 Lê Lợi (TP. Pleiku) chia sẻ: “Cửa hàng của tôi chiếm khoảng 70% mặt hàng bánh kẹo, khoảng 90% mặt hàng sữa đều là hàng Việt Nam... Ngoài ra, hiện nay, các thương hiệu hàng trong nước còn đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi như quà tặng, cào trúng thưởng, giảm giá trực tiếp trên mỗi sản phẩm để kích cầu tiêu dùng”.

Anh Huỳnh Chí Sỹ (tổ 2, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) bày tỏ: “Hiện nay, hàng sản xuất trong nước chất lượng rất tốt và có giá cả phù hợp với túi tiền của người dân. Trong cơ cấu hàng hóa ở các cửa hàng, chợ thì hàng sản xuất trong nước đang được bày bán nhiều hơn, dần thay thế những hàng nhập ngoại”.


 

Tỷ lệ hàng Việt chiếm khoảng 95% trong cơ cấu hàng hóa tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Vũ Thảo
Tỷ lệ hàng Việt chiếm khoảng 95% trong cơ cấu hàng hóa tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Vũ Thảo

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 1179/KH-UBND về thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn năm 2021-2025. Theo đó, sẽ tập trung vào các mục tiêu gắn với trọng tâm tổ chức các hoạt động phát triển thị trường; giữ thị phần hàng Việt Nam đạt trên 85% tại các kênh phân phối ở trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mi ni và trên 80% tại các chợ truyền thống và các cửa hàng tạp hóa; giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong tỉnh chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa; trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết đến chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”.
 

Thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Gia Lai đã thiết lập được 4 điểm bán hàng Việt Nam và điểm giới thiệu những sản phẩm OCOP trên địa bàn; thực hiện 2 lớp hỗ trợ đào tạo tư vấn kỹ thuật trong kinh doanh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất; đồng thời, tổ chức hội nghị kết nối cung cầu và đã ký kết 16 biên bản ghi nhớ với các mặt hàng chủ yếu là hàng Việt Nam và những sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền. Sở Công thương cũng tham gia hàng chục hội nghị kết nối cung cầu do một số tỉnh bạn tổ chức, tổ chức hàng trăm lượt hội chợ triển lãm và đưa những sản phẩm đặc trưng của tỉnh tham gia hội chợ quảng bá tại một số tỉnh thành; kết nối với một số doanh nghiệp tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Trao đổi với P.V, bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Đề án đã góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam, hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng cố định và bền vững, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh”. Cũng theo bà Nguyệt, cùng với ngành Công thương, các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

 

 VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm