Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Hành khách đi máy bay tăng mạnh trở lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thời gian gần đây, lượng hành khách qua các cảng hàng không liên tục tăng nhanh là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hai sân bay lớn nhất nước đang sửa chữa, đây cũng là thách thức không nhỏ đối với ngành hàng không.
 


Sức ép lớn từ các sân bay


Thông tin từ Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, các chuyến bay quốc nội đang trên đà phục hồi với trung bình tuần đầu tháng 10/2020 khoảng 300 lượt chuyến/ngày, 42.000 khách thông qua cảng. Tính từ đầu tháng 9/2020 đến nay, lượng hành tăng trưởng 15 - 25% hàng tuần. Đặc biệt, trong những ngày cuối tháng 9 vừa qua, Nội Bài đón gần 340 lượt chuyến bay với gần 50.000 lượt hành khách mỗi ngày, tăng hơn gấp 3 lần so với tháng 8/2020. Đây là con số rất ấn tượng cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của ngành hàng không.

Trong số các hãng hàng không, Vietnam Airlines có đà phục hồi ấn tượng nhất. Đại diện hãng bay này cho biết, trong tuần cuối tháng 9, hãng ghi nhận tổng lượng khách bay nội địa bình quân đạt gần 40.000 lượt mỗi ngày, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện hãng này khai thác hơn 40 đường bay nội địa, với gần 200 chuyến bay mỗi ngày.


 

 Sân bay Nội Bài luôn đông đúc trong thời gian gần đây. Ảnh: Hòa Thắng
Sân bay Nội Bài luôn đông đúc trong thời gian gần đây. Ảnh: Hòa Thắng


Trước đó, vào đầu tháng 9/2020, Vietnam Airlines đã khôi phục đồng loạt 6 đường bay nội địa gồm: Hà Nội – Chu Lai, Hà Nội – Tuy Hòa, Hải Phòng – Điện Biên, Vinh – Buôn Ma Thuột, Vinh – Đà Lạt và Huế – Đà Lạt. Ngay sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiềm chế, hãng đã tăng thêm tần suất trên 8 đường bay nội địa để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong nước.


Vietjet Air cũng đang có đà phục hồi tốt đối với 40 đường bay nội địa, gần 160 chuyến bay mỗi ngày. Một hãng hàng không giá rẻ khác - Pacific Airlines (thương hiệu cũ là Jetstar Pacific Airlines) cũng đã khôi phục 10 đường bay nội địa và tăng tần suất một số đường bay có điểm đến du lịch nổi tiếng.

Phải có sẵn kịch bản ứng phó

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, cộng với việc hai sân bay lớn nhất nước: Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang trong giai đoạn sửa chữa, buộc phải đóng cửa một đường băng, sự tăng trưởng "nóng" của các đường bay nội địa sẽ tạo ra những tác động tiêu cực cho hàng không. Dễ nhận thấy nhất là sự gia tăng trở lại của tình trạng chậm chuyến.
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã phải đề nghị Bộ GTVT rút ngắn thời gian đóng cửa Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài phục vụ thi công cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn tại sân bay này khi tần suất bay của các hãng tăng cao trong thời gian qua.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, sau một thời gian ngắn tạm dừng khai thác vì ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19, từ đầu tháng 9/2020, các hãng hàng không trong nước đang khôi phục trở lại đường bay nội địa cũng như khai thác thêm nhiều đường bay mới. Điều này khiến tần suất bay của các hãng hàng không đã tăng cao.


Tuy nhiên, do Sân bay Nội Bài đang thực hiện việc sửa chữa, nâng cấp đường băng nên năng lực khai thác chỉ đảm bảo tối đa 25 lượt chuyến/giờ. Áp lực của tần suất bay gia tăng đã khiến tình trạng chậm chuyến tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài tăng trở lại, đặc biệt vào giờ cao điểm từ 12 - 13 giờ hàng ngày.


Trước đó, vào đầu tháng 7/2020, khi các đường bay nội địa cũng đang trong giai đoạn tăng cao (trước khi đợt bùng phát thứ 2 của Covid-19 xảy ra), nhiều chuyến bay xuất phát từ Nội Bài, Tân Sơn Nhất đã bị chậm giờ khởi hành hoặc phải bay chờ hạ cánh. Tình trạng nghiêm trọng đến mức Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương tìm ra các giải pháp cấp bách để cải thiện tình hình.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không nhận định, tình trạng chậm chuyến bay xuất hiện và gia tăng trở lại khi lượng hành khách đi máy bay tăng cao là điều đã được dự báo từ trước. Đây là quy luật dễ hiểu đối với lĩnh vực hàng không Việt Nam. Lâu nay, nền tảng hạ tầng hàng không đã không theo kịp sự phát triển nóng của hoạt động vận tải hàng không.
Dù dịch Covid-19 khiến đà phát triển của hàng không bị chững lại nhưng với nhu cầu đi máy bay ngày một tăng cao, chỉ cần những đường bay được nối lại, gần như ngay lập tức các sân bay sẽ luôn trong tình trạng đầy khách.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, tình trạng chậm chuyến hiện nay vẫn chưa ở “đỉnh” bởi các đường bay thương mại quốc tế vẫn chưa được phục hồi nhiều. Trong thời gian tới, khi “cánh cửa bầu trời” được mở rộng hết thì sức ép sẽ càng đè nặng lên các cảng hàng không và tình trạng chậm, hủy chuyến sẽ có nguy cơ nghiêm trọng hơn rất nhiều.


“Cao điểm Tết đang đến gần, cộng thêm nhu cầu đi lại vào dịp cuối năm sẽ tăng cao hơn nữa. Ngành hàng không phải chuẩn bị sẵn các kịch bản cũng như phương án ứng phó với những tình huống xấu khi tần suất bay tăng cao hơn trong thời gian tới” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.
 

Hiện việc khôi phục lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ vẫn mới chỉ dừng lại ở hai chuyến bay thí điểm do quy chế về cách ly phòng, chống dịch với khách nhập cảnh Việt Nam vẫn chưa được “chốt”. Điều này khiến cho các hãng bay vẫn chưa thể lên lịch mở bán vé cho khách về Việt Nam trên những chuyến bay thương mại thường lệ mà mới bán vé cho khách từ Việt Nam đi. Các hãng kỳ vọng cơ quan chức năng có thể đưa ra điều kiện ràng buộc cụ thể về cách ly với khách về Việt Nam, tránh phát sinh tình huống như những chuyến bay thí điểm vừa qua.



Theo QUÝ NGUYỄN (kinhtedothi)

Có thể bạn quan tâm