(GLO)- Người ta thường nói: Hạnh phúc là có một việc gì đó để làm, có một người nào đó để yêu thương và có một điều gì đó để mong đợi. Với tôi, được sống, được trải nghiệm, tận hưởng những gì quanh ta, đó chính là hạnh phúc. Trong những nẻo đường dẫn lối tới niềm hạnh phúc, từ lâu, tôi đã thấy cuộc sống của mình thật vui và ý nghĩa khi gắn bó với nghề dạy học, với các cô cậu học trò của mình!
Gia đình bên nội cũng như bên ngoại của tôi chẳng ai làm nghề “gõ đầu trẻ”. Ngay cả bố mẹ và các anh trai tôi, vì nghèo khó mà cũng phải nghỉ học giữa chừng để gồng gánh mưu sinh. Tuổi thơ tôi may mắn được chuyên tâm chuyện học hành. Thời học phổ thông, chúng tôi làm gì đã được định hướng nghề nghiệp rõ ràng như bây giờ. Thế nhưng, vì say mê những tiết dạy của thầy cô trên lớp mà tôi chọn nghề dạy học. Nhiều lần, mới nghĩ đến việc mai này mình được đứng trên bục giảng, trước bao nhiêu ánh mắt yêu thương của các trò, lòng tôi đã râm ran hạnh phúc.
Học đại học Sư phạm 4 năm rồi học tiếp một thời gian sau đại học, tôi may mắn được giữ lại trường làm giảng viên. Gắn bó với nghề giáo đã hơn 10 năm, cũng như bất kỳ nghề gì, tôi cũng đã phải nếm trải nhiều khó khăn, vất vả. Là cảnh sống xa nhà, thuê trọ nay đây mai đó; là thời gian tập sự với đồng lương ít ỏi; là những yêu cầu, đánh giá phải không ngừng hoàn thiện về chuyên môn; và có cả những cô cậu học trò, dù đã là sinh viên nhưng vẫn còn rất cá biệt;… Dù vậy, chưa bao giờ tôi nghĩ mình đã chọn nhầm nghề. Tôi chắt chiu, trân quý những điều tốt đẹp về nghề giáo; vẫn thấy mình thật diễm phúc khi được xuất hiện trên giảng đường cùng bao thế hệ sinh viên.
Nhà tôi cách xa trường hơn 20 cây số. Những ngày mưa gió, thấm mệt, đôi lúc tôi cũng nấn ná, chần chừ khi nghĩ đến quãng đường trước mặt. Nhưng khi đã bước vào lớp, đứng trên bục giảng, tất cả những vất vả, lo toan thường ngày bỗng lùi lại phía sau, nhường chỗ cho không gian lớp học. Tôi lại hào hứng, say sưa với những điều cần truyền đạt trong từng tiết dạy. Có hôm mải mê giảng đến quá giờ mà các trò vẫn chăm chú lắng nghe, chẳng hề phản ứng; lúc nhận ra, nói lời xin lỗi, cả thầy và trò đều mỉm cười hạnh phúc.
Hạnh phúc nhất của người làm thầy, làm cô là khi thấy học trò của mình từng bước tiến bộ, trưởng thành. Sẽ chẳng có món quà nào ý nghĩa, lâu bền hơn khi các trò biết nỗ lực tặng thầy cô thành tích học tập, rèn luyện tốt. Và các thầy cô càng vui hơn, khi rời ghế nhà trường, các em có một công việc ổn định, một gia đình êm ấm. Chúng tôi vẫn thường nhắc nhớ, tự hào về những cô cậu sinh viên mới ngày nào còn hồn nhiên, tinh nghịch, nay đã thành đạt trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Có những lần đi công tác xa, tôi thường có dịp gặp lại những người học trò cũ của mình. Sau những lời hỏi thăm, bao kỷ niệm một thời trên giảng đường, bên mái trường thân yêu lại ùa về nóng hổi trong lòng thầy trò. Nào là chuyện từng thầy cô dạy như thế nào, chuyện thi cử, chuyện ở ký túc xá, những cặp đôi trong lớp,… cứ như những thước phim vừa quay, dằng dai chẳng dứt. Ai nấy đều cảm thấy hạnh phúc bởi trong miền nhớ của mọi người còn lưu dấu hình bóng của mình!
Vừa rồi, tôi mới cùng lớp đại học do mình chủ nhiệm thực hiện học phần thực tế chuyên môn đi một số tỉnh Nam Bộ. Gần một tuần đồng hành bên nhau, cùng đi, cùng ăn, cùng ở, ai nấy đều vỡ òa cảm xúc hạnh phúc xen lẫn tiếc nuối trong ngày về. Tôi nhận ra nét dễ thương, đáng yêu cùng sự nỗ lực, dạn dĩ của các em đằng sau vẻ tinh nghịch đôi lúc đến khó bảo. Các em thì lại hào hứng với những hoạt động trải nghiệm, những sinh hoạt tập thể. Và tôi biết, thầy trò chúng tôi đã cùng nhau viết nên những trang ký ức đẹp trong cuộc đời của mình.
Có những ngày lòng êm như xóm vắng, tôi thường nghĩ về nghề dạy học, về những cô cậu học trò của mình như thế, để biết mình… thật hạnh phúc!
THU ĐÌNH