Phóng sự - Ký sự

Hạnh phúc khi được sẻ chia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Không chỉ chú tâm phát triển sản xuất - kinh doanh mà hằng năm, ông Trần Văn Hùng còn trích khoảng 2 tỉ đồng để làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo.
"Có lời 10 đồng thì tôi trích ra 3-4 đồng để chăm lo đời sống công nhân và làm từ thiện. Như vậy mới bền" - ông Trần Văn Hùng (biệt danh "Hùng cá") - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (Cụm Công nghiệp Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) - nói về cách doanh nghiệp (DN) của ông tham gia công tác xã hội.
Chú trọng nâng cao uy tín doanh nghiệp
Từ năm 2010 đến 2020, Công ty TNHH Hùng Cá đã xuất quỹ phúc lợi xây hàng trăm căn nhà tình thương tặng công nhân cùng nhiều món quà giá trị khác. Mỗi căn nhà trị giá từ 20 triệu đồng trở lên.
Gần đây, DN này còn đầu tư xây 4.000 căn nhà trong khu đất rộng 50 ha làm nơi cho công nhân vừa lưu trú vừa làm việc. Công ty cũng có chính sách giao đất nền cho công nhân tại huyện Thanh Bình, ai có khả năng thì tự đầu tư xây dựng nhà ở...

Công nhân Công ty TNHH Hùng Cá thu hoạch cá tra chuyển về nhà máy chế biến
Công nhân Công ty TNHH Hùng Cá thu hoạch cá tra chuyển về nhà máy chế biến
"Công nhân thấy công ty quan tâm, chăm lo đời sống sinh hoạt cho mình thì họ sẽ ra sức làm việc và bảo quản tài sản, xem tài sản của DN như của chính mình" - ông Hùng lập luận.
Theo ông Hùng, là chủ DN, ông thường xuyên tìm hiểu quy định của pháp luật và thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước. "Tôi luôn cử nhân viên kế toán tham gia tập huấn về chính sách thuế, kê khai nộp thuế qua hình thức thương mại điện tử. Tôi cho rằng việc thực hiện tốt chính sách, pháp luật của nhà nước trong kinh doanh cũng chính là làm cho uy tín của DN ngày càng nâng lên" - ông nhìn nhận.
Không chỉ chú tâm phát triển sản xuất - kinh doanh, ông Hùng còn được biết đến là người rất quan tâm việc chia sẻ với những mảnh đời khó khăn. Hằng năm, ông đều trích khoảng 2 tỉ đồng quỹ phúc lợi của công ty để làm công tác từ thiện xã hội, giúp đỡ học sinh đang gặp khó khăn, hộ nghèo, vùng bị thiên tai bão lụt, người cơ nhỡ tật nguyền...
Làm việc hăng say, chi tiêu tằn tiện
Chỉ riêng khoảng 10 năm gần đây, ông Trần Văn Hùng nhẩm tính tổng giá trị tiền và vật chất mà ông và DN của mình chi cho công tác từ thiện xã hội đã lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Ông Hùng thổ lộ: "Tiền của bao nhiêu xài cũng hết, cái quý nhất còn lại chính là tình người. Thấy bà con nghèo khổ, không nơi nương tựa, học sinh khó khăn..., tôi chịu không nổi. Mỗi khi giúp được người nghèo có nhà ở ổn định, giúp được người khiếm thị khó khăn có tiền bạc chữa trị hay hỗ trợ học sinh nghèo tiếp tục đến trường... là lòng tôi tràn ngập niềm vui và hạnh phúc".

Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại Công ty TNHH Hùng Cá
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại Công ty TNHH Hùng Cá
Để gầy dựng nên Công ty TNHH Hùng Cá - một trong những thương hiệu mạnh của ngành thủy sản Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung hiện nay, ông Hùng đã phải trải qua biết bao thăng trầm trong cuộc sống. Ông là con thứ 5 trong một gia đình nghèo ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Gia cảnh khốn khó nên học chưa hết lớp 3, ông phải nghỉ ở nhà phụ gia đình thả lưới, giăng câu, đóng đáy, tát đìa…
"Hết thả lưới, giăng câu, tôi lại tìm việc làm mướn và thức khuya dậy sớm hái từng cọng rau muống, bông súng... đem ra chợ bán, đổi lấy gạo sinh sống qua ngày. Đến năm 20 tuổi, tôi mới được một gia đình thương cái tính thật thà, chịu khó nên gả con gái và cho mảnh đất nhỏ cạnh dòng sông Tiền để cất căn chòi ra riêng" - ông Hùng nhớ lại.
Có vợ rồi có con thì phải lo thêm cái ăn, cái mặc và chuyện học hành. Sau nhiều đêm trăn trở, ông Hùng quyết định sang Campuchia tìm cơ hội làm ăn. Bằng những kỹ năng trong nghề đánh bắt cá tôm và việc mạnh dạn đấu thầu độc quyền khai thác thủy sản hết chỗ này sang chỗ khác, sau hơn 7 năm làm việc hăng say và chi tiêu tằn tiện, rốt cuộc ông cũng tích cóp được vốn liếng trên 10 lượng vàng.
Thú vị với biệt danh
Trở về quê nhà, năm 1987, ông Trần Văn Hùng đầu tư vốn đóng 2 chiếc bè gỗ neo đậu dưới sông Tiền để nuôi cá basa. Từ đây, cuộc sống của gia đình ông bắt đầu sang một trang mới.
Đến năm 1997, ông Hùng phát triển thêm 7 bè gỗ lớn, mỗi năm thu hoạch hơn 3.000 tấn cá basa thương phẩm, thu nhập trên dưới 4 tỉ đồng. Biệt danh "Hùng cá" từ đó bắt đầu lan rộng ở địa phương.

Một căn nhà tình thương được công ty của ông Trần Văn Hùng xây tặng người nghèo trong dịp Tết Canh Tý 2020
Một căn nhà tình thương được công ty của ông Trần Văn Hùng xây tặng người nghèo trong dịp Tết Canh Tý 2020
"Đây là biệt danh mà người dân Đồng Tháp thường gọi tôi. Tôi thấy cũng thú vị vì mình có được những gì như bây giờ cũng là nhờ sản xuất, chế biến, kinh doanh cá, nói chung là trong ngành nghề thủy sản mà ra. Bởi vậy, tôi lấy tên "Hùng cá" này đặt luôn cho DN của mình" - ông Hùng giải thích.
Nhận thấy nuôi cá tra có tiềm năng lớn do giá cả tăng nhanh, ông Hùng quyết định chuyển hẳn sang nuôi loại cá này. Ông đầu tư vốn mua 6 ha đất bãi bồi ven sông Tiền, thuê xáng nạo vét thành 4 ao lớn. Rồi ông thiết kế đăng, bửng và hệ thống ống thoát nước, nơi xử lý nước làm sạch môi trường... để phát triển nghề nuôi cá tra trên đất bãi bồi.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, ngay vụ nuôi đầu, ông Hùng đã thu hoạch hơn 1.000 tấn cá tra thương phẩm. Từ kết quả này, ông tiếp tục mua và thuê thêm đất để đào ao, mở rộng nghề nuôi cá da trơn. Đến năm 2005, ông đã có 40 ao cá, mỗi ao bình quân rộng khoảng 1 ha. Hằng năm, công ty của ông xuất bán ra thị trường khoảng 20.000 tấn cá thương phẩm.
Năm 2006, ông Hùng quyết định đầu tư 60 tỉ đồng mua thêm 12 ha đất trong Cụm Công nghiệp Bình Thành để xây dựng nhà máy, trang bị dây chuyền máy móc, thiết bị chế biến cá tra xuất khẩu hiện đại, đạt tiêu chuẩn châu Âu. Từ cuối tháng 3-2007, nhà máy này đi vào hoạt động, mỗi tháng chế biến được trên 600 tấn cá tra, cá basa thành phẩm, xuất sang thị trường các nước châu Á, châu Âu và Trung Đông.
Đầu ra ổn định mới bảo đảm việc làm
Từ nhà máy đầu tiên ấy, nay DN của ông Trần Văn Hùng đã có thêm hàng loạt nhà máy mới. Các nhà máy này có công suất lớn hơn, quy trình sản xuất cũng hiện đại hơn, đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường khó tính.
Vùng nuôi thủy sản nguyên liệu của Công ty TNHH Hùng Cá đã phát triển được cả ngàn hécta tại các huyện và thành phố như: Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Cao Lãnh. Nhờ vậy, DN của ông Hùng tạo được việc làm với thu nhập ổn định hằng tháng cho trên 6.500 lao động như hiện nay.

Công ty TNHH Hùng Cá tặng quà Tết cho người lao động
Công ty TNHH Hùng Cá tặng quà Tết cho người lao động
Công ty TNHH Hùng Cá đã đạt được một loạt tiêu chuẩn như GlobalGAP và các chứng nhận SGS, HALQL, BRC ISF, HACCP, PMP... cho hoạt động sản xuất và chế biến. Theo ông Hùng, việc tuân thủ đúng quy trình quốc tế về hệ thống nước, ao nuôi, kỹ thuật nuôi và hệ thống nhà máy chế biến cá tốn rất nhiều kinh phí nhưng bù lại, cá nuôi ít bệnh, sản lượng tăng từ 3%-5%, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ được giá thành.
"Chúng tôi phải làm thế thì sản phẩm mới vào được các thị trường khó tính. Khi đầu ra ổn định thì công ty mới ổn định được việc làm cho người lao động. Đó là mục tiêu lớn nhất mà tôi đặt ra cho DN của mình" - ông Hùng bày tỏ. 
Một trong 50 DN xuất sắc nhất Việt Nam
Từ năm 2012 đến nay, Công ty TNHH Hùng Cá đã vinh dự được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, cúp vàng, bằng khen... Nổi bật là việc DN này được trao tặng cúp Chất lượng Vàng thủy sản Việt Nam.
Riêng Tổng Giám đốc Trần Văn Hùng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba; được Thủ tướng và nhiều bộ, ngành cũng như UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen cho thành tích trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh và công tác từ thiện xã hội.
Mới đây, Công ty TNHH Hùng Cá vinh dự là công ty duy nhất của tỉnh Đồng Tháp được vào Tốp 50 DN xuất sắc nhất Việt Nam (Top 50 Vietnam The Best) - DN 3 năm liên tiếp có tên trong bảng xếp hạng VNR500 (Vietnam Report) về doanh thu. Hơn 200 cá nhân có nhiều đóng góp cho công ty này cũng được khen thưởng.
Theo Bài và ảnh: Trần Trọng Trung (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm