Trong căn nhà xập xệ cuối thôn Vinh Hà, bóng dáng nhỏ bé của Tiến đang chậm rãi phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa và nấu cơm. Tiến là con trai cả, 2 người em cũng bị bệnh xương thủy tinh. Mẹ của Tiến là chị Hồ Thị Thảo (43 tuổi) thường xuyên đau ốm, không có khả năng lao động nên mọi chi tiêu trong gia đình đều phải trông chờ vào công việc phụ hồ của người cha. Hiểu được những khó khăn, vất vả của cha mẹ, dù sức khỏe không như người bình thường, Tiến vẫn cố gắng phụ giúp việc nhà trong khả năng của mình.
Tiến mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh nhưng luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Trần Dung |
Nhìn con với đôi mắt ngấn lệ, chị Thảo kể: “Lấy nhau 5 năm, vợ chồng tôi vui mừng khi mang thai đứa con trai đầu lòng. Vậy mà bao nhiêu hy vọng, đợi chờ vụt tắt khi Tiến sinh ra hình hài không giống những đứa trẻ bình thường. Người con bé xíu, chân tay co quắp và mềm oặt. Đến 5 tuổi, Tiến mới chập chững biết đi, biết nói và không thể đếm hết bao nhiêu lần con bị gãy xương, nằm viện do sức khỏe yếu. Hầu như mọi sinh hoạt hàng ngày của Tiến đều phải nhờ người thân hỗ trợ”-chị Thảo ngậm ngùi kể.
Dù chân tay yếu, bước đi xiêu vẹo, không vững nhưng bù lại Tiến rất thông minh, sáng dạ. 6 tuổi, Tiến đòi tới trường cùng các bạn. Vợ chồng chị Thảo nhiều đêm trăn trở bởi xương của Tiến rất yếu, chỉ cần va chạm nhẹ đã có thể bị gãy. Nhìn con say mê với sách vở và ánh nhìn thèm khát khi thấy các bạn đồng trang lứa đến trường, vợ chồng chị quyết định cho Tiến đi học và trở thành "đôi chân" đồng hành trên hành trình đi tìm con chữ.
Kết quả học tập của Tiến là niềm vui, niềm tự hào của gia đình, người thân. Ảnh: Trần Dung |
Đôi tay của Tiến rất khó để cầm và điều khiển cây bút. Để viết nên một vài con chữ thôi cũng khiến em phải đổ rất nhiều mồ hôi và công sức. Không nản chí, trên trường không kịp các bạn, tối về Tiến mày mò ngồi vào bàn tập viết cả đêm. Nhìn bóng lưng còng của con đổ gục trên bàn, chị Thảo chỉ biết động viên con.
“Mỗi năm học, em lại cố gắng tiến bộ thêm một chút. Dần dần, em trở thành một trong những học sinh học khá của lớp. Những năm học THCS và THPT em đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Em luôn nghĩ rằng, khuyết tật chỉ là bất tiện chứ không phải là bất hạnh. Chúng ta phải sống thật lạc quan và hành động tích cực thì chắc chắn cuộc đời mình sẽ có ích”-Tiến chia sẻ.
Với ước mơ trở thành lập trình viên, năm 2022, Tiến đã xuất sắc đậu vào Khoa Kỹ thuật phần mềm-Trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương). Thành quả này của Tiến đã khiến gia đình, thầy cô và bạn bè nể phục. Tiến bày tỏ: “Em là anh cả trong nhà nhưng đau yếu, không đủ sức lao động để đỡ đần ba mẹ. Vì thế, em quyết tâm phải học, phải có thật nhiều kiến thức để sau này làm chỗ dựa vững chãi cho các em”.
Nói về cậu học trò đầy nghị lực, thầy Trần Văn Thùy-giáo viên bộ môn Sinh học, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê) tự hào-cho biết: “Là giáo viên chủ nhiệm của Tiến, tôi luôn dõi theo cậu học trò đặc biệt của lớp. Dù thua thiệt các bạn về ngoại hình, sức khỏe nhưng Tiến rất lạc quan, luôn năng nổ trong mọi phong trào và biết vươn lên trong học tập. Trong thời gian ôn thi đại học, tôi rất lo lắng bởi sức khỏe của Tiến rất yếu, nhiều lúc chương trình học nặng khiến Tiến bị đuối sức. Rất may, Tiến đã bước chân vào giảng đường đại học, dần chạm tới ước mơ của mình".
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê đã vận động các nguồn lực hỗ trợ, “tiếp bước” cho Tiến vững vàng hơn trên giảng đường Đại học. Ảnh: Trần Dung |
Ông Nguyễn Xuân Thủy-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê-cho biết: Sinh ra mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh-di chứng của chất độc da cam/dioxin nhưng cháu Phan Trọng Tiến là trường hợp đặc biệt trên địa bàn huyện khi luôn nỗ lực vươn lên, truyền cảm hứng cho mọi người bằng trí tuệ và nghị lực sống. Thời gian qua, ngoài việc động viên, khích lệ Tiến và gia đình, chúng tôi cũng đã tích cực vận động các nguồn lực hỗ trợ, “tiếp bước” cho Tiến vững vàng hơn trên giảng đường đại học. Hy vọng, với ước mơ của mình, Tiến sẽ xây dựng nên một tương lai tươi sáng.