Nếu sản xuất giống chỉ phục vụ Nhật Bản thì người nông dân và ngành sản xuất trong nước đều không được hưởng lợi.
Ngày 24/7, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) hồ hởi chia sẻ về việc doanh nghiệp này vừa xuất khẩu 8,1 kg hạt giống dưa hấu sang Nhật Bản.
Hạt giống dưa hấu Việt Nam lần đầu xuất sang Nhật. Ảnh: Danviet
PGS Dương Văn Chín cho biết, đây là kết quả sau 2 năm hợp tác, nghiên cứu, canh tác thử nghiệm và nhận chuyển giao kỹ thuật với Hagihara Farm trong sản xuất hạt giống dưa hấu F1 từ hạt dưa hấu “bố mẹ” của Nhật Bản.
"Đây là thành công bước đầu, tới đây doanh nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu để tạo ra loại hạt giống dưa lưới không hạt và các loại hạt giống dưa khác", PGS Dương Văn Chín cho biết.
Theo vị PGS, để sản xuất ra được loại hạt giống dưa hấu không hạt, đáp ứng được yêu cầu của phía Nhật Bản, được phía Nhật Bản chấp nhận nhập khẩu phải trải qua một quá trình nghiên cứu và thực hiện vô cùng phức tạp.
Theo đó, hạt giống dưa hấu được sản xuất ra phải đạt độ thuần trên 99% (kết quả sản phẩm được nông dân sản xuất có độ thuần là 99,97%) và không có lẫn vi sinh vật gây hại...
Cái khó nhất trong sản xuất hạt giống dưa hấu xuất sang Nhật đó là quá trình thụ phấn.
"Quá trình thụ phấn là phức tạp, khó khăn, tốn kém nhất do phải thụ phấn từng bông một theo cách thủ công chứ không sử dụng cơ chế hóa.
Vì lý do này, nên việc thụ phấn thực hiện ở Nhật thường có chi phí rất cao, trong khi ở Việt Nam lại có chi phí thấp hơn, giá nhân công rẻ. Tuy nhiên, để có thể hợp tác cùng sản xuất với doanh nghiệp Nhật Bản là do doanh nghiệp trong nước cũng có nền tảng khoa học kỹ thuật tốt, có đội ngũ cán bộ kỹ thuật tay nghề cao, có lực lượng ba cùng (có kỹ sư gắn bó với đồng ruộng nhiều năm; có tay nghề; có nông dân thực hiện), vì thế phía doanh nghiệp Nhật Bản đã lựa chọn doanh nghiệp Việt cùng hợp tác sản xuất ra hạt giống", vị PGS chia sẻ.
Theo vị PGS, ngoài mục tiêu sản xuất ra hạt giống dưa hấu không hạt để xuất khẩu sang Nhật, phía Nhật Bản còn tham vọng sẽ kinh doanh trên hạt giống được sản xuất ra.
"Giá trị hạt giống được tính theo từng hạt, không phải tính theo từng lạng hay từng cân, vì thế, sau khi nghiên cứu thành công, tạo ra được hạt giống tốt cả phía Nhật và phía doanh nghiệp trong nước cũng phải tính tới phương án kinh doanh, tìm thị trường tiêu thụ cho loại hạt giống này.
Tập đoàn Lộc Trời có thế mạnh rất lớn trong lĩnh vực phân phối hạt giống, chính vì vậy việc hợp tác sản xuất giống lần này là tiền đề tạo điều kiện cho hạt giống dưa hấu không hạt được đưa vào thị trường trong nước, bán cho người nông dân trồng dưa đồng thời xuất khẩu đi tất cả các nước trồng dưa hấu trên thế giới", vị PGS cho biết.
Theo vị PGS, sau thành công, ước muốn của doanh nghiệp là nâng cao trình độ, tiếp tục nghiên cứu tạo ra những loại hạt giống tốt mới, có tiềm năng để phục vụ cho chính nhu cầu sản xuất trong nước, giảm dần lệ thuộc vào hạt giống nhập từ Trung Quốc.
"Chúng ta hoàn toàn có thể tự tạo ra loại hạt giống rau, quả của chính mình mà không phải tốn tiền đi nhập giống bên ngoài nữa.
Điển hình là các giống lúa, chúng ta cũng đã có những loại giống rất tốt, được thế giới ghi nhận, vì thế, không có lý do gì chúng ta không tin tưởng trong tương lai nền sản xuất trong nước sẽ tự chủ được về giống", vị PGS kỳ vọng.
Phải bán được cho nông dân
Chia sẻ thêm về thông tin trên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam bày tỏ thành công trên là thắng lợi lớn của ngành sản xuất hạt giống trong nước.
Ông cho biết, lâu nay dưa hấu có hạt đã không còn được ưa chuộng ngay cả trên thị trường trong nước và quốc tế. Do đó, khi sản xuất được loại hạt giống dưa hấu không hạt và được bán cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu đi các nước thì quá tốt.
"Thực tế, giá trị xuất khẩu hạt giống không quá cao nhưng nếu hạt giống được bán cho người nông dân trong nước để người dân trồng dưa hấu không hạt và xuất khẩu đi các nước thì giá trị gia tăng sẽ lớn hơn rất nhiều, giá trị người nông dân thu về cũng cao hơn", ông Nguyên kỳ vọng.
Cũng theo ông Nguyên, doanh nghiệp cũng cần hướng tới mục tiêu cung cấp hạt giống cho thị trường trong nước, có như vậy thì giá trị của hạt giống mới đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân cũng như ngành nông sản trong nước.
"Nếu sản xuất giống chỉ phục vụ Nhật Bản và doanh nghiệp trồng để xuất khẩu dưa hấu vào thị trường Nhật Bản thì người nông dân và ngành sản xuất trong nước đều không được hưởng lợi.
Thậm chí, khi đó, người nông dân muốn trông loại dưa này sẽ phải chấp nhận nhập lại hạt giống từ phía Nhật với giá trên trời, trong khi doanh nghiệp trong nước đã tự sản xuất ra được hạt giống là bất hợp lý.
Vì thế, sản xuất được hạt giống dưa hấu không hạt mới là tín hiệu đáng mừng nhưng sẽ mừng hơn nếu hạt giống đó được bán cho người nông dân trong nước", ông Nguyên nói.
Hoài An (Đất Việt)