Kinh tế

Giá cả thị trường

Hậu Covid-19: Vì sao Trung Quốc "ăn hàng" cao su nhiều nhất, có thêm tiền người Mỹ chi mạnh vào thủy sản, đồ nội thất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hậu dịch Covid-19 cho thấy, phía Trung Quốc đang gia tăng "ăn hàng" là cao su nguyên liệu nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi đó nhờ có gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD, người Mỹ đã gia tăng tiêu dùng để mua các loại thủy sản đông lạnh nhập khẩu, cũng như đồ nội thất...

Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, dù dịch Covid-19 vẫn gây những tác động không nhỏ nhưng ngay từ đầu năm, xuất khẩu nông sản vẫn đạt được con số tăng trưởng ấn tượng.

Cụ thể, tính chung trong quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 10,61 tỷ USD, tăng 19,7% so với quý I/2020. Điều đáng ghi nhận là, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như cao su, chè, rau quả, sắn, tôm, các sản phẩm lâm sản. Trong đó, giá trị xuất khẩu cao su tăng tới 116%, đạt khoảng 721 triệu USD; rau quả khoảng 944 triệu USD (tăng 6,1%); sắn đạt 116 triệu USD (tăng 23,3%), tôm đạt 773 triệu USD (tăng 8,3%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 3,7 tỷ USD (tăng 41,5%).

 

Dây chuyền chế biến, sơ chế hoa quả xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. Ảnh: Danh Lam
Dây chuyền chế biến, sơ chế hoa quả xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. Ảnh: Danh Lam


Không còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, nông sản của Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường khó tính. 4 thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Chế biến sâu để tạo thêm thị trường

Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, cần quan tâm hơn nữa công tác chế biến. Trong năm 2021, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức "Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021" và "Diễn đàn thúc đẩy chế biến nông sản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, chế biến sâu các sản phẩm nông sản là một đòi hỏi tất yếu, bởi chế biến sâu sẽ tạo thêm được thị trường.

"Những năm qua, tỷ lệ chế biến sâu của ngành hàng cà phê, cây ăn quả tăng nhanh, tạo ra được những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đối với ngành hàng lúa gạo, có được kết quả ấn tượng như những năm qua chính nhờ coi trọng công tác chế biến" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương, đặc biệt là các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19; phổ biến, hướng dẫn các quy định thị trường, rào cản kỹ thuật, định hướng xuất khẩu nông lâm thủy sản tại các thị trường trọng điểm.

https://danviet.vn/hau-covid-19-vi-sao-trung-quoc-an-hang-cao-su-nhieu-nhat-co-them-tien-nguoi-my-chi-manh-vao-thuy-san-do-noi-that-20210405184621077.htm

 

Theo KHÁNH NGUYÊN (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm