Sức khỏe

Hậu cúm A cũng 'khủng khiếp' không thể ngờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hậu cúm A là tình trạng mệt mỏi dai dẳng và kéo dài dù người bệnh đã hồi phục sau khi nhiễm cúm và các triệu chứng đã hoàn toàn biến mất. Tình trạng mệt mỏi này có thể kéo dài đến 2 tuần sau khi nhiễm cúm hoặc lâu hơn.

Hầu hết, các trường hợp nhiễm cúm đều có thể điều trị khỏi bệnh, các triệu chứng như sốt, ho, nghẹt mũi… sẽ dần cải thiện sau một khoảng thời gian. Tuy nhiên có một yếu tố chưa thể phục hồi hoàn toàn đó là năng lượng, BS. Phạm Thái Anh (Bệnh viện Bắc Thăng Long) cho biết.

Cảm giác kiệt sức kéo dài sau khi đã khỏi cúm, một chỉ dấu của hậu cúm A

Nhiều bệnh nhân cho biết, họ có cảm giác kiệt sức, cảm thấy không có năng lượng trong một vài tuần, thậm chí là vài tháng sau khi đã không còn các triệu chứng của bệnh cúm A. Cảm giác đau cơ lan rộng, đau khớp, thường xuyên cảm thấy cơ thể bứt rứt, khó chịu… Một số người mắc chứng rối loạn giấc ngủ, mất khả năng tập trung và thay đổi tâm trạng thất thường, bao gồm cả lo âu và trầm cảm. Hiện tượng này có thể xuất phát từ phản ứng viêm hệ thống mà cơ thể phát động để chống chọi với virus, gây ảnh hưởng không mong muốn đến não bộ.

Tất cả những điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lao động, học tập và tham gia các hoạt động xã hội của người bệnh.

Ho kéo dài, một dấu hiệu khác của hậu cúm A

Ho kéo dài sau cúm, một biểu hiện của hậu cúm A.

Sau khi các triệu chứng chính đã giảm, một số bệnh nhân tiếp tục trải qua ho khan kéo dài vài tuần hoặc cảm giác khó thở, đặc biệt là khi gắng sức. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể bởi sau khi virus cúm tấn công và gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp, dẫn đến xuất tiết và cơ thể sẽ cần thời gian để các tế bào tổn thương phục hồi cũng như dọn sạch đường hô hấp. Tuy nhiên, trong trường hợp người bệnh ho kéo dài, không có dấu hiệu thuyên giảm thì cần thăm khám bác sĩ để có thể điều trị kịp thời.

Suy giảm miễn dịch, một biểu hiện của hậu cúm A

Về khía cạnh hệ miễn dịch, người từng mắc cúm A có thể trải qua tình trạng suy giảm miễn dịch tạm thời khiến họ dễ bị nhiễm trùng khác, đặc biệt là trong những tuần sau khi khỏi bệnh.

Với một số người có sẵn bệnh nền, cúm A có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng tim mạch và chuyển hóa. Chả hạn, các biến chứng tim mạch như viêm cơ tim hoặc thậm chí là nhồi máu cơ tim do tình trạng viêm làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Đối phó với tình trạng hậu cúm A ra sao?

Hậu cúm A có thể gây ra hàng loạt triệu chứng như mệt mỏi, suy nhược, rối loạn giấc ngủ, ho kéo dài, khó thở, các vấn đề tâm lý… Do đó, một kế hoạch điều trị toàn diện là cần thiết để giúp người bệnh phục hồi hoàn toàn và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào cho hậu cúm A, hầu hết tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng và giảm đau. Bên cạnh việc kết hợp điều trị triệu chứng hậu cúm A, người bệnh cần biết chăm sóc bản thân thật tốt.

Để quản lý tình trạng mệt mỏi kéo dài, điều chỉnh lối sống đóng vai trò quan trọng. Người bệnh cần kiên trì thực hiện đều đặn các hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ, yoga và thở sâu. Đây cũng chính là những biện pháp có thể giúp cải thiện năng lượng và giảm căng thẳng, khắc phục tình trạng khó ngủ. Khi người bệnh có thể ngủ đủ giấc vào ban đêm thì cơ thể sẽ dần hồi phục được nguồn năng lượng đã mất.

Người bệnh hậu cúm A cần duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng: Loại bỏ các thực phẩm có hại cho hệ tiêu hóa như caffeine, rượu, đồ ăn cay, nhiều đường, tinh bột…; Lưu ý, uống đủ nước là một phần quan trọng của quá trình hồi phục sức khỏe với người bệnh hậu cúm A.

Có thể chườm nóng, chườm lạnh, massge, châm cứu, vật lý trị liệu… để làm giảm các cơn đau nhức trên cơ thể.

Hậu cúm A khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Hầu hết các trường hợp hậu cúm A có thể tự chữa tại nhà bằng việc thay đổi lối sống, bổ sung dinh dưỡng và luyện tập thể chất đều đặn.

Tuy nhiên, người bệnh hậu cúm A cần lắng nghe cơ thể để kịp thời tới gặp bác sĩ khi tình trạng mệt mỏi kéo dài dai dẳng hoặc có chuyển biến xấu. Đó là khi các triệu chứng cúm như sốt, ho, đau họng trở nên trầm trọng hơn sau một tuần. Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng thứ phát hoặc các biến chứng khác.

Khó thở, đau ngực, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn giấc ngủ trầm trọng hơn… cũng là những hiện tượng mà người bệnh hậu cúm A cần phải thăm khám bác sĩ ngay.

Lời khuyên của bác sĩ để phòng ngừa các biến chứng hậu cúm A hiệu quả và an toàn nhất chính là tiêm vắc xin cúm để phòng ngừa cúm mỗi năm. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn cần tiêm vắc xin cúm mỗi năm để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, ngăn chặn biến chứng nguy hiểm và tình trạng hậu cúm dai dẳng.

Theo Võ Hồng Thu (TPO)

Có thể bạn quan tâm