Những người vượt biên trái phép vào Việt Nam nhằm trốn cách ly là mối nguy hiểm nhất hiện nay trong đại dịch Covid-19. Dù vậy, làm gì để ngăn chặn hiệu quả họ là chuyện không đơn giản.
1. Trong năm qua, đại dịch Covid-19 khiến thế giới phải đảo lộn, dù bắt đầu le lói ánh sáng cuối đường hầm khi xuất hiện vắc xin. Nhưng, cùng lúc đó, thế giới tiếp tục chao đảo với những biến thể mới. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần cố gắng, quyết tâm hơn bao giờ hết như Việt Nam đã làm: Chống dịch như chống giặc.
Nhờ vậy, Việt Nam là một trong những nước phòng chống đại dịch hiệu quả nhất trên thế giới. Dù vậy, trong vòng một năm, chúng ta từng vài phen hú vía, những lần sau đều nguy hiểm hơn những lần trước.
Nếu chúng ta có ca mắc đầu tiên từ một người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, thì ca 17 lại là ca từ người việt ở nước ngoài nhập cảnh về. Chỉ riêng với một ca này, do không khai báo trung thực, trở thành nguy cơ một làn sóng nhiễm mới thực sự gây sốc cho xã hội. Nhưng chúng ta đã làm rất tốt, làn sóng này bị dập tắt.
Nhưng rồi, dịch bệnh quay trở lại một nơi mà chúng ta không ngờ: Bệnh viện Bạch Mai. Cư dân một lần nữa cực hoang mang khi bệnh viên lớn nhất nước trở thành ổ dịch. Và một lần nữa, người dân thở phào nhẹ nhõm khi chúng ta quây, truy tìm, phong tỏa, điều trị bệnh nhân rất hiệu quả. Người dân từ lo sợ đến tin tưởng vào cách thực hiện của chính quyền.
Đúng khi dư luận phấn khởi chuẩn bị chào mừng 100 ngày không có ca mới nào bị lây nhiễm trong cộng đồng, như phát súng ngang tai, một ổ dịch mới lại xuất hiện ở Bệnh viện Đà Nẵng.
Đây là làn sóng nhiễm bệnh mới nguy hiểm hơn nhiều so với những lần trước, rất nhiều người nhiễm dịch có bệnh nền, tỷ lệ tử vong cao. Người dân cực hoang mang. Cả thành phố Đà Nẵng bị phong tỏa, hàng chục nghìn du khách cũng bị "nhốt" lại cùng người dân địa phương.
Rồi, một lần nữa, với sự quyết liệt của Chính phủ, của ngành y, của các bệnh viện đầu ngành đóng ở Hà Nội, ở TP Hồ Chí Minh tập trung cho Đà Nẵng, Covid-19 đã được đẩy lùi khỏi Đà Nẵng và Việt Nam.
2. Nhưng người dân cả nước bắt đầu lo ngại hơn với những chuyến nhập cảnh bất hợp pháp qua đường bộ vào Việt Nam của chính người Việt. Thậm chí khi bị bắt, một số vẫn loanh quanh những nơi mình đã đi qua, khiến việc truy tìm dấu vết F1, F2 trở nên vô cùng khó khăn, không kịp thời.
Lực lượng chức năng căng mình ngăn người nhập cảnh trái phép. |
Đặc biệt, trước biến thể mới của Covid-19 bắt đầu tràn khắp thế giới với tốc độ lây lan nhanh hơn và cũng là lúc nhiều người Việt đi làm ăn ở các nước láng giềng tìm mọi cách về quê đón Tết nguyên đán mà không phải cách ly.
Cũng vì chưa kiểm soát nổi những người nhập cư trái phép, số người bị nhiễm Covid-19 đang tăng lên, trong đó Thái Lan mỗi ngày trung bình có 300 ca.
Do đó, những người vượt biên trái phép, trốn cách ly là mối nguy hiểm khôn lường, đã và đang hiện hữu. Đáng quan ngại là, dù cơ quan chức năng đã khởi tố một số vụ án, xét xử một số đối tượng tổ chức đường dây đưa người trái phép vào Việt Nam, nhưng những đường dây đưa người nhập cảnh trái phép vẫn không biết sợ và có xu hướng ngày càng phức tạp.
Chúng ta có hàng ngàn km đường biên, làm sao để kiểm soát có hiệu quả những đối tượng tìm mọi cách trốn chui, trốn lủi để vượt biên. Trong khi, dù các lực lượng chức năng có tăng cường bao nhiêu đi nữa, vẫn chỉ như muối bỏ biển khi Việt Nam có đường biên trả dài như thế, dù mấy ngày qua, quân đội đã tăng cường các camera dọc được biên để kiểm soát. Vì vậy, tỷ lệ bắt được những người vượt biên trái phép chắc không đáng là bao so với những người trốn thoát. Đó là mối nguy hiểm thật sự, khiến mọi cố gắng của chính quyền, của người dân dễ bị toang trong một nốt nhạc.
Do đó, ngăn ngừa có hiệu quả những người vượt biên trái phép trong thời điểm này có ý nghĩa quyết định trong công cuộc chống dịch Covid-19 hiện nay.
Trong khi, mức án dành cho tội danh này không cao, vậy liệu có khiến họ chùn chân?
Những lời cảnh báo người dân không vượt biên trái phép của các đại sứ của ta ở nước ngoài là cần thiết, nhưng hiệu quả mang lại được bao nhiêu?
Những lời kêu gọi hãy vì gia đình, vì cộng đồng với những người này liệu có đạt hiệu quả như mong muốn?
Vấn đề là, họ có thể đi qua các cửa khẩu bình thường, nhưng vì sao họ vẫn chấp nhận mất tiền để vượt biên trái phép?
Chỉ có câu trả lời: Họ quá sợ bị cách ly vì tốn tiền và mất thời gian.
Nếu trước đây, cách ly được miễn phí hoàn toàn, một số người vẫn tìm mọi cách để trốn cách ly. Nay phần lớn những người đi lao động ở các nước láng giềng là người nghèo, rất nghèo, nếu về nước bị cách ly, họ phải tự túc về kinh tế, đó quả là gánh rất nặng cho họ.
Nếu Nhà nước bỏ tiền ra lo cho họ khi cách ly, số tiền sẽ chẳng thấm vào đâu so với những khoản truy tìm, quây cách ly một vùng, một khu phố. Còn họ trốn thoát, hậu quả thật khôn lường. Bởi, khi xét nghiệm những người bị bắt, tỷ lệ mắc Covid-19 rất cao.
Do đó, nên chăng miễn phí cách ly cho những người lao động nghèo này. Nếu được vậy, số người tìm cách trốn về Việt Nam sẽ giảm đi đáng kể. Như vậy, cả xã hội sẽ được an bình hơn trong những ngày sắp tới, đặc biệt là Tết nguyên đán đã cận kề và yên tâm chờ đợi vắc xin tiêm đại trà trong tương lai gần.
Theo VƯƠNG HÀ (Dân Việt)