Ai cũng muốn mình là người am hiểu và chia sẻ thông tin về corona. Nhưng chúng ta hãy là người chia sẻ cũng như tiêu thụ thông tin thông thái để tự bảo vệ mình và chiến thắng sự hoảng loạn.
Cuối năm 2014, khi tôi đang hoàn thành những nhiệm vụ cuối cùng nghiên cứu sinh ở Anh, báo chí nước này chạy tít bài một nhân viên cứu trợ người Scotland trở về từ Sierra Leone qua sân bay Casablanca và sân bay Heathrow được chẩn đoán mắc Ebola - virus mà theo WHO là truyền sang người từ động vật hoang dã và sau đó lây từ người qua người.
Dịch Ebola bùng phát trong quá khứ có tỉ lệ tử vong cao hơn nhiều so với SARS 17 năm trước đây và virus corona mới hiện nay từ 25% đến 90%. Trên toàn thế giới, Ebola đã giết chết hơn 33.000 người kể từ năm 1976.
Người dân Anh liên tục cập nhật thông tin về Ebola trên các trang báo, NHS (cơ quan y tế của Anh) chạy một mục Ebola Frontline Staff Information với đầy đủ thông tin chính thức về dịch bệnh, cách phòng chống và đó là nguồn tin được mọi người dân tin cậy và làm theo.
Chính phủ Anh cũng chạy một mục trên trang chính thống Ebola virus: UK government response (tạm dịch là Phản ứng của chính phủ) gồm những phản hồi và hoạt động đồng bộ của chính phủ.
Ngày nay, với sự bùng nổ của Internet, đặc biệt là mạng xã hội Facebook với hơn 60 triệu tài khoản tại Việt Nam, dịch corona đã tác động tới từng nút trên bàn phím.
Một nỗi sợ vô hình hình thành và lây lan thành dịch hoảng loạn, song hành cùng dịch cúm. Nhưng hai loại dịch bệnh này có cơ chế rất khác nhau. Một nhà nghiên cứu từng nói rằng trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm, phần lớn sự hoảng loạn là nỗi sợ không rõ.
Nghiên cứu tâm lý cho thấy các mối đe dọa mới lạ sẽ làm tăng mức độ lo lắng nhiều hơn các mối đe dọa quen thuộc và mọi người có xu hướng phản ứng lại với tất cả thông tin mình thu nhận. Ví dụ, cứ trong 7 người bị bệnh tim thì có 1 người chết vì bệnh này, tỉ lệ này đối với khủng bố là 1/45,8 người.
Tuy nhiên, theo khảo sát năm 2016 của ĐH Chapman (Mỹ) về nỗi sợ của người Mỹ, khủng bố lại được xếp hạng trong số năm lo lắng hàng đầu của những người được hỏi.
Trong một cuộc khảo sát khác với 705 người ở Hong Kong ở đỉnh điểm của dịch SARS, 23% số người được hỏi sợ rằng họ có khả năng bị nhiễm SARS. Trong khi đó, tỉ lệ nhiễm thực tế chỉ là 0,0026%. Tại Hoa Kỳ, nơi 29 người bị nhiễm bệnh và không có ai chết, 16% số người tham gia khảo sát cảm thấy họ hoặc gia đình của họ có khả năng bị nhiễm SARS.
Những nỗi sợ vô hình có thể gây ra phản ứng thái quá ("reactionary hysteria"). Sợ hãi, lo lắng là cần thiết và là một phần của cuộc sống. Việc tìm hiểu thông tin về dịch bệnh, các biện pháp phòng chống là vô cùng quan trọng đối với mỗi người trong tâm dịch. Tuy nhiên, cần tỉnh táo, không nên mù quáng mà cần lo lắng một cách có hiểu biết và có một bộ lọc thông tin thông minh.
Ai cũng muốn mình là người am hiểu và chia sẻ thông tin về corona. Nhưng chúng ta hãy là người chia sẻ cũng như tiêu thụ thông tin thông thái để tự bảo vệ mình và chiến thắng sự hoảng loạn.
Chúng ta cũng hãy là người chia sẻ thông tin có trách nhiệm để góp phần đẩy lùi dịch bệnh, thay vì khiến cho tình hình càng phức tạp thêm, đồng thời tạo ra một loại dịch bệnh mới, dịch bệnh mang tên "hoảng loạn".
Theo TS PHẠM HẢI CHUNG (TTO)